Hoạt động cầm chừng
Dọc theo tỉnh lộ 902 của huyện Mang Thít, không còn không khí nhộn nhịp và tấp nập người qua lại kẻ mua, người bán như ngày nào. Theo thống kê của Phòng Công thương huyện Mang Thít, đến thời điểm này chỉ còn 305 cơ sở sản xuất gạch ngói hoạt động (tạm ngừng 722 cơ sở), số công ty, doanh nghiệp sản xuất chỉ còn 12 cơ sở hoạt động cầm chừng để giữ nhân công lành nghề, còn lại chuyển sang chăn nuôi... chờ thời cơ.
Dãy khu nhà xưởng của Công ty TNHH Tư Thạch, phần lớn các nhà xưởng đều khóa cửa, chỉ còn một hai phân xưởng nhỏ dành để... chăn nuôi gà, lợn. Ðến cơ sở sản xuất gạch ngói Tấn Tạo (Bảy Hóa) ở ấp Ðịnh Thới A, xã An Phước, huyện Mang Thít có năm miệng lò, với 50 công nhân... nay chỉ còn khoảng 15 người. Hiện cơ sở đang đốt ba lò gạch tàu, còn hai lò gạch ống thì bỏ ngỏ. Nói về sản xuất gạch ngói hiện nay, vợ chồng ông Mai Công Hóa, chủ cơ sở nói giọng yếu xìu: "Bây giờ cái gì cũng tăng giá: từ đất, chất đốt, đến lương công nhân, nếu ai có vốn thì cầm chừng chờ thời, còn không thì bán tháo, chứ tiền đâu trả lãi ngân hàng. Tôi may mắn là đợt này, lò ra sản phẩm đẹp, có chất lượng cao nên không bị lỗ vốn, nhưng phải đắp vốn qua hai lò gạch ống của con trai tôi, gạch ống bán rẻ mà lại khó bán nữa".
Tình trạng thua lỗ của con trai ông Hóa cũng là tình hình chung của làng nghề gạch ngói Vĩnh Long hiện nay. Bà Bảy, vợ ông Hóa nói: "Khoảng năm năm về trước, nhờ lò gạch, nhiều chủ cơ sở đã ăn nên làm ra, họ bắt đầu vay vốn ngân hàng để mở rộng cơ sở, được một hai năm chất đốt biến động, lò không hoạt động đúng thời gian giao hàng nên trễ hạn hợp đồng rồi mất mối tiêu thụ. Doanh thu ngành gạch gốm từ đó liên tục giảm do các cơ sở cạnh tranh giá bán. Ðể có một sản phẩm hoàn chỉnh, nhiều chủ lò đang nghẹt thở để giải quyết khâu đầu vào. Bà Trương Thị Hồng Yến, chủ cơ sở có hai miệng lò ở xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít giải thích: "Một viên đất mê lúc trước chạy ra bốn viên gạch, nay chỉ còn hai viên rưỡi, giá trấu thì từ 200 đồng/kg, lên 700 đồng, rồi 900 đồng, bây giờ là 1.000 đồng. Một kg trấu đốt được hai viên rưỡi gạch ống, hai viên gạch tàu. Một viên gạch tàu bán 2.800 đồng còn cầm cự được, chớ gạch ống bán 600 đồng/viên coi như lỗ thấu xương". Ði dọc các dãy lò, không khí yên tĩnh đến lạ thường, không còn tiếng máy ép gạch, tiếng công nhân nói chuyện rôm rả, nhộn nhịp như ngày xưa mỗi khi đi ngang qua làng nghề. Chủ cơ sở Huy Hoàng, ông Trương Văn Tích là người từng vươn lên từ lò gạch ống, rầu rĩ: "Gia đình tôi làm gạch đã hơn 20 năm nay, dù giá gạch có lên, xuống nhưng tôi vẫn hoạt động cầm chừng để giữ mối. Nhưng giá chất đốt tăng cao như vậy, tôi định đốt xong đợt lò này rồi nghỉ, bán đất trả nợ". Cũng như ông Tích, nhiều doanh nghiệp phải bán đất hoặc "vay nóng" để trả lãi ngân hàng, có người chuyển sang chăn nuôi nhưng cũng không bù đắp được bao nhiêu.
Liên kết để phát triển bền vững
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Bùi Hữu Mai, Giám đốc Công ty TNHH Mười Mai, lao động ở đây chủ yếu là lao động nhàn rỗi, không qua đào tạo. Tổ chức sản xuất lại mang tính gia đình, chẳng ai quan tâm đến nghiên cứu công nghệ, thị trường, xây dựng thương hiệu". Giá trị truyền thống, tức tài sản vô hình của làng nghề này là: Tài nguyên đất sét Vĩnh Long dẻo, mịn... không nơi nào có được và đã khẳng định chất lượng gạch ngói 150 năm nay. Công nghệ đốt lò từ lò tròn tổ ong thế kỷ 19 đến lò un, lò Bắc, lò Haffman kiểu Ðức, cho đến lò Tunel hiện đại... Nhưng thị trường không chấp nhận nên đã không thể tồn tại ở Vĩnh Long. Từ thập niên 60 thế kỷ trước đến nay hình thành lò hình tháp đốt lửa đảo, tồn tại đến nay được xem là công nghệ đốt lò riêng cho Vĩnh Long để hình thành nên "vương quốc" gạch ngói. Thế nhưng, cái "tử huyệt" của làng nghề chính là những chiếc lò riêng lẻ không tận dụng nhiệt của lò này sang lò kia một cách liên hoàn. Khi giá trấu 200 đồng/kg thì nhiên liệu kết tinh trong một viên gạch chỉ 70 đồng. Nhưng giá trấu lên 1.200 đồng thì phải đốt 500 đồng tiền trấu mới ra được viên gạch, trong khi đó giá bán 600 đồng/viên. Cộng chi phí lao động, tiền mua đất nữa là phá sản.
Ở Tây Ninh, Bình Dương đang cải tiến công nghệ Haffman mới đốt nhiên liệu liên hoàn, 1 kg trấu đốt được bảy viên gạch. Chính vì thế gạch miền Ðông tràn xuống Vĩnh Long giết làng nghề. Ðiều đáng quan tâm hơn nữa, bởi trước kia trấu chỉ dành để đốt gạch-gốm, giờ trấu ép cây dùng trong nhà máy thức ăn thủy sản hoặc ép viên xuất khẩu sang các nước Tây Âu khiến giá trấu tăng vùn vụt.
Trước tình trạng điêu đứng của làng nghề, chúng tôi tìm đến Phòng Công thương huyện Mang Thít, ông Trương Chí Thiện, Phó trưởng phòng Công thương cho biết, đến nay, huyện chưa có sự hỗ trợ nào, đang chờ hướng giải quyết của tỉnh.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Mười Mai Bùi Hữu Mai, chất lượng gạch Vĩnh Long, công nghệ lò tròn là thứ tài sản vô hình, vô giá đã được tích lũy hơn 150 năm qua, từ khi có làng nghề. Vấn đề ở đây là cải tiến công nghệ mới trên nền tảng truyền thống sao cho tiết kiệm nhiên liệu như các lò ở Ðông Nam Bộ thì làng nghề sẽ được cứu.
Bên cạnh đó, muốn làng nghề phát triển bền vững, các cơ sở sản xuất phải liên kết lại với nhau để đưa ra quy chuẩn chung. Nhà nước cũng cần quy hoạch vùng nhiên liệu, vùng sản xuất, đào tạo lại nguồn nhân lực.