Luân chuyển số lượng lớn cán bộ cấp tỉnh
Thực hiện Ðề án của Tỉnh ủy, từ tháng 3-2013, tỉnh Thanh Hóa đã điều động, luân chuyển đợt đầu 36 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong đó có chín đồng chí là tỉnh ủy viên; 10 bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy cấp huyện và bốn chủ tịch UBND cấp huyện cùng 14 giám đốc, phó giám đốc sở, trưởng, phó ban, ngành cấp tỉnh. Ðây là cuộc điều động, luân chuyển cán bộ cấp tỉnh lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn. Qua đó, cả ba đồng chí thường trực cấp ủy của thị xã Sầm Sơn và huyện miền núi Ngọc Lặc hiện nay đều không phải người địa phương.
Nhiều tháng nay, chương trình nêu trên được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm với những dư luận khác nhau. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai năm trước, Thanh Hóa đã thực hiện điều động, luân chuyển ba cán bộ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhưng nói chung chưa đạt yêu cầu đề ra. Ví như để điều động một đồng chí bí thư huyện ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải qua bốn cuộc làm việc với các phương án về vị trí công tác khác nhau mới đáp ứng nguyện vọng cá nhân. Hay một cán bộ trẻ, là tỉnh ủy viên khi được luân chuyển về huyện miền núi, sau hơn một năm lại phải rút về vì nhiều lý do. Cùng với đó, là tình trạng có những huyện đã phát sinh đơn thư khiếu nại trước quyết định điều động, luân chuyển cán bộ. Hoặc một số cán bộ luân chuyển về địa phương, sống "vo tròn" làm việc kiểu dĩ hòa vi quý, đợi hết nhiệm kỳ trở về, đợi bổ nhiệm.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phùng Bá Văn cho biết: Năm 2013, thực hiện Ðề án điều động, luân chuyển cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý với số lượng lớn, quyết định một lần, không thay đổi nhưng đạt sự đồng thuận cao. Về yêu cầu nhiệm vụ, thời gian cũng rất khác trước đây, cán bộ thuộc diện điều động ở cương vị mới phụ thuộc vào khả năng thực hiện nhiệm vụ và thực tế địa phương. Cán bộ luân chuyển, là những đồng chí thuộc diện quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, thời gian không dưới 36 tháng. Với các đồng chí này, Ban Thường vụ lấy mức độ hoàn thành nhiệm vụ khi luân chuyển làm cơ sở chính cho quá trình bổ nhiệm, đề bạt.
Thị xã Sầm Sơn vừa khép lại một vụ du lịch hè với nhiều chuyển biến, tín hiệu vui. Thị xã đã giải quyết khá thành công ba vấn nạn lớn tồn tại nhiều năm trên địa bàn là: Bán hàng rong; "chặt chém" du khách và tệ nạn xã hội (trộm cắp, đánh nhau...). Cùng các chương trình quảng bá du lịch mới được triển khai, khách du lịch Sầm Sơn hè 2013 đạt 2,3 triệu lượt người, tăng hơn 300 nghìn người so với hè 2012. Doanh thu trên mỗi lượt khách cũng tăng. Năm nay, cả ba cán bộ chủ chốt của thị xã là Bí thư Thị ủy (Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Giao thông), Chủ tịch UBND (nguyên là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư) và Phó Bí thư Thường trực (nguyên là Hiệu Phó Trường Chính trị tỉnh) đều trẻ, không phải người địa phương được luân chuyển về. Vì sao trong bối cảnh suy giảm kinh tế, thị xã Sầm Sơn vẫn thu hút được khách du lịch cao hơn? Trao đổi ý kiến với nhiều hộ kinh doanh và lãnh đạo trên địa bàn, chúng tôi được biết: Bước vào mùa du lịch hè 2013, lãnh đạo thị xã đã tiến hành các giải pháp: Tổ chức các hộ dân ký cam kết không bán hàng rong; duy trì "đường dây nóng" do trực tiếp lãnh đạo UBND thị xã quản lý nhằm nghe phản ánh các thông tin "nóng" và giải quyết kịp thời vấn đề mới phát sinh. Ðồng chí Vũ Thị Suất, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy nêu nhận xét: Các đồng chí Thường trực giải quyết hiệu quả các vấn đề tồn tại đã lâu bằng phương pháp làm việc khoa học và không bị áp lực, chi phối bởi các "mối quan hệ" trong quá trình kiểm tra, xử lý.
Tại huyện miền núi Ngọc Lặc, đồng chí Lại Thế Nguyên, Tỉnh ủy viên, nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy nay về làm Bí thư Huyện ủy cùng các lãnh đạo chủ chốt của huyện được luân chuyển về đang triển khai một số đề án nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ðược biết, từ chương trình của Tỉnh ủy, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác điều động, luân chuyển cán bộ Ban Thường vụ huyện ủy quản lý với quy trình thống nhất, số lượng và yêu cầu cao hơn. Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa Hoàng Văn Toản cho biết: Huyện đã điều động, luân chuyển 56 cán bộ, viên chức theo cả hướng dọc và ngang. Bốn đồng chí huyện ủy viên được điều động, luân chuyển về làm bí thư đảng ủy tại bốn xã. Về xã Thiệu Hòa, chúng tôi gặp đồng chí Nguyễn Ðình Dỡ, nguyên Bí thư xã Thiệu Chính được luân chuyển về làm Bí thư Thiệu Hòa. Cho dù đã có 13 năm làm Chủ tịch UBND và Bí thư Ðảng ủy xã Thiệu Chính, nhưng sang đây, đồng chí tâm sự: Ở cương vị Bí thư, mình cùng Ban Thường vụ phải nâng cao cả "tâm và tầm" để lãnh đạo phát triển kinh tế, giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội địa phương. Ðồng chí cho rằng, việc nêu gương về cả đạo đức, lối sống và trình độ là yêu cầu hằng ngày đối với một cán bộ lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương.
Xã Thiệu Viên là nơi đồng chí Nguyễn Duy Thứ, Huyện ủy viên được luân chuyển về, thí điểm Bí thư Ðảng ủy xã không phải là người địa phương. Ðảng bộ xã nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh, tuy nhiên việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương diễn ra chưa mạnh. Sau hơn hai năm ở cương vị Bí thư Ðảng ủy, đồng chí Thứ cùng Ban Thường vụ phát huy dân chủ, ban hành bốn nghị quyết chuyên đề. Các nghị quyết triển khai đi vào cuộc sống đã góp phần nâng cấp hệ thống giáo dục; tạo được mô hình mới trong bảo đảm an ninh trật tự; thực hiện việc cưới, tang theo nếp sống mới, góp phần tạo nên bộ mặt mới của xã trong phát triển kinh tế.
Huyện Thạch Thành đã thực hiện điều động, luân chuyển 59 cán bộ lãnh đạo, quản lý tại 25/28 xã. Ðồng chí Ðỗ Minh Quý, Bí thư Huyện ủy cho biết, công tác trên ở huyện đã thúc đẩy rõ nét quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cải cách hành chính trên địa bàn.
Cùng với quá trình này, Thanh Hóa tiến hành thí điểm một số huyện, thị xã có các chức danh bí thư, phó bí thư thường trực, chủ tịch HÐND, chủ tịch UBND, cơ quan khối nội chính và một số cơ quan quản lý nhà nước không phải là người địa phương. Thực hiện yêu cầu các ngành của tỉnh có lãnh đạo là người dân tộc thiểu số, trong thường trực huyện ủy các huyện miền núi có cán bộ người Kinh, vốn là những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ nhiều năm liền.
Nội dung, cách làm mới và những yêu cầu đặt ra
Về thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ theo Ðề án mới đây của Thanh Hóa, đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Ðây là bước tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 về công tác cán bộ, đồng thời cũng chính là chương trình hành động của Ðảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng.
Cụ thể hơn, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) thì tình trạng yếu kém trong đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó có một bộ phận cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh được nhìn nhận đầy đủ hơn. Tình trạng yếu kém kéo dài ở một số địa phương, đơn vị cả cấp tỉnh, huyện và xã đòi hỏi những giải pháp cấp bách trong công tác cán bộ, trước hết đối với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu.
Tuy nhiên, với một cuộc điều chuyển cán bộ với số lượng, quy mô lớn, yêu cầu cao nhất từ trước tới nay ở Thanh Hóa, làm thế nào để đạt sự đồng thuận và mục tiêu đề ra? Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiệm vụ này ở Thanh Hóa đã và đang được tiến hành thận trọng, giữ vững nguyên tắc kỷ cương với quy trình khoa học. Khác với trước đây, năm 2013 Tỉnh ủy quy định cấp ủy các cấp khi tiến hành điều động, luân chuyển cán bộ phải theo đề án, quy định rõ các chức danh, đối tượng và tiêu chuẩn cán bộ phải điều động. Theo đó, đối tượng luân chuyển, điều động là những cán bộ trẻ trong nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cần rèn luyện qua thực tế, hoặc những cán bộ chủ chốt để cơ quan, đơn vị, địa phương mình lãnh đạo, quản lý còn nhiều hạn chế, yếu kém chậm khắc phục. Chương trình này ở Thanh Hóa nhằm đào tạo, rèn luyện cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng và khắc phục một bước xu hướng cục bộ, khép kín, trì trệ của đội ngũ cán bộ. Tiến hành thí điểm một số huyện, thị xã có các chức danh chủ chốt không phải là người địa phương như thị xã Sầm Sơn hay huyện miền núi Ngọc Lặc.
Về quy trình tiến hành, từ những địa chỉ được xác định trong Ðề án, Ban Tổ chức chuẩn bị nhân sự theo nguyên tắc công khai tiêu chuẩn và đối tượng. Mỗi chức danh chuẩn bị từ hai đến ba nhân sự. Từ cơ sở nhân sự chuẩn bị (khác với trước đây Ban Thường vụ dự kiến và gặp gỡ trao đổi ý kiến) nay Ban Thường vụ tiến hành dân chủ bỏ phiếu, quyết định một lần. Sau đó, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức phổ biến và giao nhiệm vụ cho các đồng chí được điều động, luân chuyển cùng đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương có cán bộ luân chuyển về.
Kinh nghiệm cho thấy, việc điều chuyển cán bộ cần "kiên quyết, triệt để" nhưng phải tạo được sự đồng thuận bằng cách luân chuyển đúng đối tượng. Việc này đòi hỏi công tác đánh giá tập thể và cán bộ, đặc biệt cán bộ chủ chốt phải chính xác, khách quan, phải công khai, minh bạch. Công tác này ở tỉnh có tiền đề từ quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI). Tại Ðảng bộ tỉnh Thanh Hóa, cấp ủy các cấp chỉ đạo quy trình này chặt chẽ, từ phát huy vai trò cá nhân trong tự kiểm điểm, đến xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ rõ hơn, sát hơn. Với quyết định của Tỉnh ủy, năm 2013, cả 36 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý được điều động, luân chuyển dù ở cương vị nào cũng đều chấp hành nghiêm, bàn giao công việc và tiếp nhận công việc đúng thời gian quy định. Những vấn đề nêu trên là cơ sở, định hướng quan trọng để các địa phương rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình, nâng cao việc luân chuyển điều động cán bộ cả về số lượng và hiệu quả.
Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, việc điều động, luân chuyển cán bộ tại Thanh Hóa chỉ tạo được sự đồng thuận và hiệu quả bền vững với các giải pháp đồng bộ. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần có chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát và sơ kết tổng kết kịp thời với nội dung công tác này. Với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương là quy trình khép kín, khoa học, toàn diện không thể xem trọng riêng một nội dung, công đoạn nào. Theo đó, quy hoạch cán bộ ở tỉnh cũng cần luôn bảo đảm phương châm "mở và động", "liên thông" trên địa bàn tỉnh. Công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch, theo chức danh cần tiếp tục được coi trọng. Cấp ủy các cấp cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành quy trình đánh giá cán bộ hằng năm, đánh giá trước khi bổ nhiệm, trước bầu cử và hết nhiệm kỳ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, công khai và dân chủ.
Cán bộ xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành tiếp xúc, lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân tại bộ phận một cửa.