Điều chỉnh thuế hài hòa, bình ổn đời sống kinh tế-xã hội

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá hướng đến mục tiêu hạn chế tiêu dùng là cần thiết. Tuy nhiên, nếu tăng thuế quá nhanh, vô hình trung lại kích thích thuốc lá lậu bùng phát, gây nhiều hệ lụy xấu cho nền kinh tế. Do đó, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ cân nhắc mức tăng thuế thuốc lá một cách phù hợp, tránh gây sốc, đồng thời sử dụng tổng hợp các biện pháp để hạn chế tiêu dùng thuốc lá, thay vì chỉ dựa vào công cụ kinh tế thông qua tăng thuế.
Lâu nay, trồng cây thuốc lá là một trong những sinh kế căn bản của người nông dân ở một số vùng có ít lựa chọn sản phẩm cây trồng.
Lâu nay, trồng cây thuốc lá là một trong những sinh kế căn bản của người nông dân ở một số vùng có ít lựa chọn sản phẩm cây trồng.

“Cân” phương án tăng thuế phù hợp

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ liên quan tới vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt và quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngày 20/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có tác động tới nhiều ngành hàng, doanh nghiệp, người dân. Thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ để định hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng đối với một số mặt hàng nhưng cần phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, Nhà nước không thất thu thuế; hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu hạn chế được tiêu cực từ việc tiêu thụ các mặt hàng này, bảo vệ sức khỏe người dân… Thủ tướng cũng lưu ý điều hành tránh giật cục, có lộ trình áp dụng phù hợp để các chủ thể liên quan có sự chuẩn bị; điều chỉnh thuế phải đi đôi với đẩy mạnh chống buôn lậu, trốn thuế,…

Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính xây dựng, ngoài mức thuế đang áp dụng bằng 75% trên giá bán lẻ, từ năm 2026, thuốc lá sẽ chịu thêm mức thuế tuyệt đối tăng ở cả hai phương án là 2.000 hoặc 5.000 đồng/bao và tăng dần 1.000 hoặc 2.000 đồng/bao/năm, bảo đảm đạt 10 nghìn đồng/bao vào năm 2030.

Theo nhận định của ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, mức tăng thuế như hai phương án của dự thảo đưa ra như trên có thể sẽ làm cho tỷ trọng thuế trong giá bán thuốc lá tăng lên. Chẳng hạn, hiện tại tỷ trọng thuế khoảng 36%, đến năm 2030 sẽ lên đến 59,4%, tức tăng lên khoảng 23%; trong khi đó, tiêu dùng có thể giảm từ 42,7% như hiện nay xuống còn 38% vào năm 2030 (giảm 4%), như vậy, thuế tăng 23%, nhưng tiêu dùng chỉ giảm 4%.

Trong khi đó, theo tính toán từ Công ty PwC Việt Nam, một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay, cho dù chọn phương án 1 hay phương án 2 thì giá bán lẻ thuốc lá vào năm 2030 sẽ tăng trung bình khoảng 100%. Theo lẽ thực tế, giá thuốc lá tăng, người tiêu dùng sẽ có xu hướng tìm đến thuốc lá lậu. Sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm từ 40-45% trong khi thuốc lá bất hợp pháp sẽ tăng ở mức tương tự lên đến 45% (hiện nay, tỷ lệ thuốc lá lậu khoảng 12%).

Dựa trên cơ sở đó, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch Công ty PwC Việt Nam nêu quan điểm, có thể cân nhắc giãn lộ trình, sau 2-3 năm tăng thêm 1.000 đồng/bao thì cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất có đủ thời gian để chuyển đổi trong hành vi, thói quen tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyển đổi lên phân khúc cao cấp hơn, liên tục cải thiện chất lượng sản phẩm.

Tính toán toàn diện các tác động

Từ góc độ của chuyên gia về tư vấn thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, cả hai phương án có mức thuế tuyệt đối cộng với 75% theo thuế tương đối, tính ra tổng mức thuế hỗn hợp vẫn cao và tăng như vậy là tương đối cao so với lộ trình trước đây, khi Việt Nam điều chỉnh thuế từ năm 2019. Tuy nhiên, nếu phải chọn 1 trong 2 phương án tăng thuế, bà Cúc nhận định, phương án 1 hợp lý hơn so với phương án 2 vì phương án 1 (75%+2.000 đồng/bao) có ưu điểm là tăng đều hằng năm thay vì tăng đột ngột như ở phương án 2 (75%+5.000 đồng/bao).

Những năm gần đây, Việt Nam đã tự đáp ứng được một phần lớn nguồn nguyên liệu thuốc lá. Đây là một nỗ lực lớn của ngành thuốc lá vì trước đây nước ta hầu hết phải nhập khẩu sợi thuốc lá từ nước ngoài về để sản xuất. Lâu nay, trồng cây thuốc lá là một trong những sinh kế căn bản, bền vững của người nông dân tại những vùng có ít lựa chọn các sản phẩm cây trồng. Khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, đương nhiên nhu cầu sản xuất sẽ giảm đi, dẫn đến nguyên liệu đầu vào giảm theo, từ đó ảnh hưởng trực tiếp ngay tới những nhóm đối tượng này.

Do đó, chính quyền các địa phương có vùng nguyên liệu cũng kiến nghị cơ quan hoạch định chính sách nghiên cứu, có phương án chuyển dịch hoạt động sản xuất để người dân vẫn bảo đảm sinh kế tốt và không ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế-xã hội. Từ nhiều năm nay, người nông dân trồng cây thuốc lá đã ký hợp đồng lâu dài với các nhà máy sản xuất, ổn định đầu ra, nếu đột ngột chuyển sang sản phẩm mới, chưa tìm được đầu ra cho họ sẽ là thách thức lớn. Các cấp chính quyền cũng nên xây dựng một kế hoạch lâu dài để ổn định đời sống của người dân những vùng khó khăn, nơi thu nhập cả gia đình phụ thuộc phần lớn vào cây thuốc lá, trong khi việc chuyển đổi cây trồng không hề dễ dàng.

Bên cạnh vấn đề vùng trồng, các chuyên gia cũng hết sức băn khoăn với thực tế khi tăng thuế đột ngột, sẽ tác động đến tình trạng thuốc lá lậu và một khi thuốc lá lậu đã tăng thì rất khó “quay đầu”. Ở Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc lá ở nhóm thu nhập thấp chiếm đa số, khi giá bán lẻ thuốc tăng, vô hình trung sẽ đẩy người tiêu dùng tìm đến nguồn thuốc lá bất hợp pháp và mục tiêu của Chính phủ nhằm hạn chế tiêu dùng thuốc lá sẽ không đạt được.

Tại Malaysia, có điều kiện khá tương đồng với Việt Nam ở khả năng tiếp cận thuốc lá lậu, việc kiểm soát thuốc lá lậu cũng gặp khó khăn vì địa hình và đường biên phức tạp. Ngay sau khi tăng thuế năm 2015, thuốc lá lậu ở quốc gia này đã tăng lên chiếm hơn 63% thị phần và sau đó dù thuế không tăng nhưng tình hình cũng không được cải thiện vì người dân sử dụng thuốc lá lậu thành thói quen thì khó quay lại sử dụng thuốc lá hợp pháp.

Các chuyên gia thống nhất quan điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, hướng đến mục tiêu hạn chế tiêu dùng sản phẩm này là cần thiết. Tuy nhiên, nếu tăng đột ngột, sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây nhiều hệ lụy cho kinh tế-xã hội, Nhà nước bị thất thu thuế, doanh nghiệp chính thống phải gồng mình để cạnh tranh với các sản phẩm bất hợp pháp trôi nổi trên thị trường, người lao động mất việc làm, các vùng trồng bị thu hẹp, gây bất ổn về an sinh xã hội cho nông dân,... Chính vì thế, cơ quan quản lý, hoạch định chính sách cần nghiên cứu, tính toán mức tăng phù hợp nhằm bảo đảm sự bình ổn đối với đời sống xã hội.