Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Hoàng Đức Minh:

“Diễn” giáo viên giỏi là không đúng mục tiêu của hội thi

NDO -

NDĐT - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tỏ ra rất thẳng thắn khi nhìn nhận có tình trạng “diễn” trong các hội thi giáo viên dạy giỏi. Điều này đặt ra câu hỏi, nếu danh hiệu giáo viên dạy giỏi chỉ là do “diễn hay” thì học sinh được hưởng lợi gì, có nên nhanh chóng dẹp bỏ các hội thi này? Phóng viên Nhân Dân điện tử có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Đức Minh chung quanh vấn đề này.

Học sinh cần môi trường lành mạnh để phát triển, trong đó, giáo viên phải là những tấm gương sáng. (Ảnh minh hoạ)
Học sinh cần môi trường lành mạnh để phát triển, trong đó, giáo viên phải là những tấm gương sáng. (Ảnh minh hoạ)

Phóng viên: Thưa Cục trưởng Hoàng Đức Minh, Bộ GD-ĐT đã thừa nhận có tình trạng “diễn” tại các hội thi giáo viên dạy giỏi. Vậy ông có thể nói rõ hơn về những biểu hiện cụ thể của tình trạng “diễn” đang tồn tại ở môi trường sư phạm?

Cục trưởng Hoàng Đức Minh: Nhiều thầy cô giáo tại các cơ sở giáo dục khẳng định mục đích của Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp là tốt. Hội thi đã tôn vinh khen thưởng những giáo viên có thánh tích, tạo điều kiện để thày cô trau dồi năng lực, giao lưu kinh nghiệm với đồng nghiệp. Song trong quá trình thực hiện một số giáo viên do lo lắng thái quá, hoặc do những nguyên nhân khác đã cho học sinh học tập nội dung trước khi giảng chính, đây là biểu hiện của “diễn”, chưa đúng với mục tiêu của hội thi, hiện tượng “diễn’ là có nhưng không phải phổ biến.

Phóng viên: Bộ GD-ĐT đã rất thẳng thắn khi nhìn nhận sự việc bằng một động từ như vậy. Liệu có thể tiếp tục thẳng thắn một lần nữa để gọi đó là biểu hiện của sự giả dối không?

Cục trưởng Hoàng Đức Minh: Quan điểm của ngành đây không phải là sự giả dối, mà là một sự chuẩn bị không đúng quy định, có biểu hiện của bệnh thành tích, chưa đúng mục tiêu của hội thi giáo viên dạy giỏi.

Phòng viên: Tình trạng “diễn” thực ra không phải bây giờ mới xuất hiện, mà đã có từ nhiều năm qua. Theo ông, Bộ GD-ĐT có biết thực trạng này không hay đến gần đây mới biết?

Cục trưởng Hoàng Đức Minh: Vấn đề này, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, Bộ GD-ĐT đã biết và có nhắc nhở thông qua các hình thức: trực tiếp ở địa phương; bằng công văn (Công văn số 558/BGDĐT-NGCBQLCSGD ngày 5-2-2016 của Bộ trưởng GD-ĐT về việc lưu ý một số vấn đề liên quan đến tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên); qua hướng dẫn nhiệm vụ năm học hằng năm; qua các hoạt động chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ thường niên…

Phóng viên: Có thể thấy rằng học sinh cũng là chủ thể tham gia “diễn”. Các em sẽ bị tác động như thế nào từ hành động này? Các các em diễn lẫn không diễn sẽ nghĩ gì về danh hiệu mà các cuộc thi này mang lại cho thầy cô và nhà trường? Là người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực giáo dục, theo ông, các em học sinh nghĩ gì? Liệu các em có biết đó là giả dối hay không?

Cục trưởng Hoàng Đức Minh: Thực tế với những tiết học như vậy, không chỉ là học sinh, phụ huynh mà cán bộ quản lý giáo dục chúng tôi thấy cũng không ổn, không đúng với mục tiêu của cuộc thi, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục học sinh. Bộ GD-ĐT đã, đang và sẽ chấn chỉnh, điều chỉnh hội thi giáo viên dạy giỏi cho phù hợp hơn trong thời gian sớm nhất.

Phóng viên: Xin ông cho biết là trong những năm qua, các danh hiệu giáo viên dạy giỏi đã có tác dụng hay ảnh hưởng như thế nào đối với giáo viên, học sinh, nhà trường và công tác giáo dục? Nếu danh hiệu giáo viên dạy giỏi chỉ là do “diễn hay” thì liệu nó có thực chất và học sinh được hưởng lợi gì?

Cục trưởng Hoàng Đức Minh: Hội thi giáo viên giỏi là hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho các giáo viên thể hiện năng lực dạy học bản thân và đồng thời học hỏi phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy của đồng nghiệp. Qua hội thi, các địa phương, cơ sở giáo dục đã phát hiện, nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Việc công nhận giáo viên dạy giỏi phải bảo đảm toàn diện, thông qua nhiều nội dung chứ không chỉ qua một giờ dạy. Đại đa số các giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục và là các giáo viên ‘nòng cốt” của ngành ở các cấp độ khác nhau.

Phóng viên: Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ từng cho biết sẽ kiến nghị sửa đổi quy định về sáng kiến kinh nghiệm, hạn chế các cuộc thi hình thức trong ngành giáo dục. Vậy khi đã nhận định là “diễn” thì liệu có nên tổ chức các cuộc thi giáo viên dạy giỏi nữa hay không? Bộ đã thực hiện kiến nghị sửa đổi đến đâu rồi, thưa ông?

Cục trưởng Hoàng Đức Minh: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã rất quan tâm chỉ đạo công tác này. Như phát biểu ở trên, những tiết dạy có tính chất “diễn” không bảo đảm mục tiêu giáo dục, những tiết học như thế không phải là phổ biến. Định hướng trong thời gian tới Bộ sẽ rà soát, chỉnh sửa một số vấn liên quan để tránh tạo áp lực cho giáo viên, đảm bảo thực chất như: Về lược bỏ nội dung thi: lược bỏ sáng kiến kinh nghiệm hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; Lược bỏ việc sử dụng kết quả công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi để đánh giá, xếp loại thi đua của đơn vị có giáo viên tham gia dự thi; Bổ sung nội dung thi: đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên, trong đó bổ sung các tiêu chí trọng số phù hợp với nội dung thi giáo viên giỏi hoặc chủ nhiệm giỏi; Bổ sung làm rõ lớp học tham gia tiết thi thực hành thao giảng: Thực hành giảng dạy được tổ chức tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp; Bổ sung: nguyên tắc hội thi, trong đó bổ sung nguyên tắc tham gia hội thi trên nguyện vọng tự nguyện…

Phóng viên: Nếu vẫn cần có danh hiệu giáo viên dạy giỏi thì theo ông cần làm gì để đánh giá chính xác và xoá bỏ tình trạng diễn đang tồn tại trong nhà trường?

Cục trưởng Hoàng Đức Minh: Theo như các thông tin đã trao đổi ở trên, chúng tôi sẽ rà soát điều chỉnh bảo đảm hội thi tinh gọn, thống nhất, tạo ra "sân chơi lành mạnh”, để những giáo viên dạy giỏi thật (đã được tôn vinh) tâm huyết chia sẻ/truyền kinh nghiệm cho đồng nghiệp tham khảo, học tập. Theo đó, tạo phong trào thi đua dạy tốt – học tốt. Mục tiêu quan trọng nhất là học sinh được hưởng kết quả giáo dục tốt nhất.

Phóng viên: Xin cảm ơn Cục trưởng Hoàng Đức Minh!