Phải dùng đến hàng chục trang sách mới thống kê hết những chỗ bất nhất trong các tư liệu đã công bố. Những thí dụ nêu trong bài viết này chỉ là một số trường hợp tiêu biểu.
Trước năm 2000, tất cả các sách đã xuất bản đều ghi là Vụ Quang. Có thể tìm thấy từ đó ở:
1. Ðịa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nguyễn Ðổng Chi chủ biên (NXB Nghệ An. 1995, trang 62, 63, 64, 94, 138, 170). Xin dẫn một đoạn ngắn có đến năm lần nhắc tới từ Vụ Quang:
"Núi Vụ Quang: Ở đầu nguồn sông Ngàn Trươi (nay thuộc xã Hương Quang), là nơi xây dựng căn cứ của quân Cần Vương dưới sự chỉ huy của Phan Ðình Phùng. Núi Vụ Quang ở chỗ thác Làng đã ghi một trận phục kích gọi là "sa nang ủng thủy" (bao cát làm tắc nghẽn dòng sông), trận thắng Pháp vang dội của quân Cần Vương còn được nhắc tới trong bài Nhật trình (còn gọi là "hành trình", một loại văn vần ở Nghệ Tĩnh, gần gũi với vè, thường do bình dân sáng tác, NKP thêm):
Vụ Quang đất của cụ Phan
Tây lên máu đỏ thác Làng là đây.
Vùng núi Vụ Quang nay mai sẽ trở thành một khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, ở đây có nhiều loài động vật, thực vật hiếm. Chỉ trong vòng hai năm nghiên cứu đã phát hiện hai loài thú lớn và một loài cá gây một chấn động đối với các nhà khoa học trên thế giới. Từ núi Vụ Quang có nguồn của sông Ác, gọi thế vì người ta cho sông này có thuồng luồng, nước độc, uống vào mang bệnh (Sđd, trang 62 - 63).
2. Từ điển Bách khoa Việt Nam Tập 3, mục từ Phan Ðình Phùng (NXB Từ điển Bách khoa. H.2003. trang 403).
3. Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 4, mục từ Vụ Quang (NXB Từ điển Bách khoa. H.2005. trang 941).
4. Từ điển Văn học, Bộ mới, mục từ Phan Ðình Phùng (NXB Thế giới. H.2004, trang 1384).
5. Ðại cương lịch sử Việt Nam Tập 2, Tái bản lần thứ 9. Ðinh Xuân Lâm chủ biên (NXB Giáo dục. H.2007, trang 81).
6. Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam. Ðinh Xuân Lâm - Trương Hữu Quýnh chủ biên (NXB Giáo dục. H.2005, trang 398).
Cũng có thể tìm thấy những căn cứ đáng tin cậy trong một số tài liệu cổ xưa, chẳng hạn cuốn Nghệ An kí, công trình địa lý - lịch sử nổi tiếng của Bùi Dương Lịch (1757 - 1825). Cuối Quyển I, trong phần Sông ngòi, khi nói về sông La, Bùi Dương Lịch đã miêu tả tỉ mỉ những dòng sông con đổ vào sông Ngàn Sâu (sông Ngàn Sâu và sông Ngàn Phố gặp nhau ở ngã ba Tam Soa rồi cùng đổ vào sông La), trong đó có dòng sông Ác nói trên. Nguyên văn đoạn này như sau: "La Giang kinh Thổ Hoàng, Vụ Quang sơn chi Ác giang bắc nhập chi" (sông La đi qua xã Thổ Hoàng, có sông Ác của núi Vụ Quang chảy vào phía bắc) (NXB Khoa học Xã hội. H.2004, trang 193 phần chữ Việt - trang 156 phần chữ Hán). Chữ có bộ vũ ở trên, dưới là vụ (việc, nhiệm vụ), chỉ có thể đọc là vụ (sương mù), tuyệt không thể đọc thành vũ!
Vậy, chữ Vũ xuất hiện từ bao giờ, ở đâu?
Theo tôi, chữ Vũ chính thức xuất hiện lần đầu tiên trên sách báo trong tên địa danh xã Vũ Quang ở trang 152 của cuốn Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam (Vietnam list of administrative divisions) do NXB Thống kê xuất bản năm 2000. Cuốn sách nộp lưu chiểu tháng 8 năm 2000, tức phải bắt đầu biên soạn muộn nhất vào đầu năm 2000 hoặc cuối năm 1999, còn quyết định đặt tên xã Vũ Quang hẳn là sớm hơn. Liền sau đó, chữ Vũ lại xuất hiện trong tên địa danh huyện Vũ Quang ở Nghị định 27 ra ngày 4 tháng 8 năm 2000 về việc thành lập huyện Vũ Quang đăng trên Công báo ngày 8-9-2000. (Cần nói thêm: Khi thành lập huyện Vũ Quang - huyện mới này gồm 5 xã của huyện Hương Khê, 6 xã của huyện Ðức Thọ và xã Sơn Thọ của huyện Hương Sơn - thì xã Vũ Quang nơi có núi Vụ Quang, căn cứ địa xưa của Phan Ðình Phùng - lại đổi thành xã Hương Quang như trước). Tuy vậy, sau năm 2000, nhiều công trình khoa học có giá trị như 5 trong 6 cuốn sách đã dẫn, một số cuốn SGK như Lịch sử 8, Ngữ văn 9 - Tập Một vẫn tiếp tục ghi là Vụ Quang. Chưa có nhiều tài liệu ghi là Vũ Quang (như SGK Ngữ văn 11, Tập Hai, bộ Cơ bản cũng như bộ Nâng cao), có tài liệu dùng cả hai tên như Bản đồ ở trang 34 của Tập bản đồ giao thông đường bộ Việt Nam (NXB Bản đồ. H.2004): Ngay bên cạnh dòng chữ huyện Vũ Quang lại có dòng chữ Vườn Quốc gia Vụ Quang !...
Từ việc trình bày trên, tôi xin kiến nghị:
1) Giữa SGK Ngữ văn và Lịch sử, giữa SGK Ngữ văn THCS và THPT, giữa bộ Cơ bản và bộ Nâng cao của SGK Ngữ văn THPT nên có sự thống nhất, cần ghi vào SGK cả hai cách viết.
Ðể thỏa đáng với tình hình thực tế từ các tư liệu và cách gọi trong nhân dân, theo chúng tôi, nên ghi: "Vũ Quang (trước đây từng gọi là Vụ Quang, nay vẫn có tài liệu ghi là Vụ Quang )".
2) Trong khi chưa thống nhất được ý kiến, trước hết là giữa những tác giả SGK, HS viết theo cách nào cũng được, thầy giáo không nên chỉ căn cứ vào một tư liệu để đánh giá, kết luận.
3) Riêng về việc đặt tên huyện mới Vũ Quang của tỉnh Hà Tĩnh, tha thiết đề nghị các cơ quan hữu quan, trước hết là Bộ Nội vụ, nghiên cứu xem xét kỹ để có thể đưa ra quyết định điều chỉnh kịp thời. Ðược biết GS. Chương Thâu và nhà địa phương học Thái Kim Ðỉnh cũng đã có bài viết về việc đặt tên huyện Vũ Quang song hình như chưa được những người có trách nhiệm lưu tâm đúng mức.