Chỉ có tài năng, chưa đủ

GS.TS. Ngô Văn Thành.
GS.TS. Ngô Văn Thành.

Giải quyết tình trạng này, phải bắt đầu từ đào tạo. Thế nhưng, người đứng đầu cơ sở đào tạo âm nhạc lớn nhất cả nước hiện nay - GS, TS Ngô Văn Thành - Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, lại khẳng định: Ðào tạo tài năng chưa phải là đủ...

PV: Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đang thiếu tài năng nghệ thuật trẻ, trong đó có âm nhạc?

GS, TS Ngô Văn Thành: Liên tiếp trong những năm gần đây, một loạt học sinh đoạt giải tại các kỳ thi tài năng âm nhạc trẻ của khu vực và quốc tế, chứng tỏ chúng ta không thiếu tài năng trẻ. Ðối với hoạt động đào tạo, chúng tôi coi đó là kết quả tất yếu và đáng mừng. Qua giao lưu, nhiều nước trong khu vực đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với sự ưu ái, quan tâm đầu tư của Nhà nước ta cho hoạt động đào tạo nghệ thuật cổ điển.

PV: Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng: muốn có nghệ sĩ tài năng phải gửi đi đào tạo ở nước ngoài?

GS, TS Ngô Văn Thành: Nói một cách công bằng thì phần lớn nghệ sĩ giỏi trong các lĩnh vực nhạc cổ điển của nước ta trước đây và hiện nay đều học tập và tốt nghiệp ở nước ngoài. Cũng là năng khiếu như vậy, nếu đào tạo trong nước với điều kiện hiện nay thì không thể phát huy được hết tài năng. Chúng ta còn cần rất nhiều yếu tố như môi trường văn hóa, dân trí, công chúng... thì công cuộc đào tạo tài năng ở trong nước mới mang lại kết quả như mong muốn. Cũng chính vì thế nên hiện nay chúng tôi vẫn có hai giải pháp: Những em có tài năng, triển vọng thật sự thì vẫn được chọn đi đào tạo ở nước ngoài theo chương trình hợp tác hằng năm. Hiện đang có khoảng 60 học sinh, sinh viên của Học viện đang học tại Nga, Pháp, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc... Ðó là nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghệ thuật sau này. Và hiện nay, những nghệ sĩ do Học viện đào tạo cũng chưa đủ để cung cấp cho các dàn nhạc giao hưởng, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước. Theo những phản hồi chúng tôi ghi nhận được, "sản phẩm" của Học viện được các đơn vị nghệ thuật đánh giá rất cao, nhiều nghệ sĩ trẻ đã thành danh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

PV: Việc nâng cấp Nhạc viện Hà Nội lên thành Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thật sự xuất phát từ đòi hỏi của thực tế, hay là một mô hình "đi trước, đón đầu" mang tính hình thức?

GS, TS Ngô Văn Thành: Từ tháng 2 năm 2008, Nhạc viện Hà Nội đã được nâng cấp lên thành Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ðây là sự chuẩn bị cho bước phát triển mới của nền âm nhạc nước nhà. Trong "chiếc áo mới", Học viện tiếp nhận nhiệm vụ, sứ mạng từ hơn 50 năm hình thành và phát triển của Nhạc viện Hà Nội là đào tạo cán bộ âm nhạc cho đất nước trong ba lĩnh vực: thứ nhất là biểu diễn; thứ hai là lý luận, sáng tác, chỉ huy và nghiên cứu âm nhạc; thứ ba là tham gia biểu diễn phục vụ, góp phần định hướng thẩm mỹ xã hội. Nhiệm vụ mới đây nhất được bổ sung thêm là đào tạo nhân lực trình độ cao (thạc sĩ, tiến sĩ) nhằm nâng cấp trình độ, chất lượng cho các trường văn hóa nghệ thuật âm nhạc trên cả nước. Ðiều chúng tôi muốn hướng tới là trang bị phương pháp sư phạm tốt cho các nghệ sĩ giỏi muốn trở thành nhà giáo, để họ không bị hạn chế trong hoạt động đào tạo. Chúng tôi quan niệm, để phát triển thì phải có thầy giỏi, trò giỏi, và điều kiện cơ sở tốt.

PV: Ông có phần ngập ngừng khi nhắc đến điều kiện thứ ba?

GS, TS Ngô Văn Thành: Trong những năm gần đây, Nhạc viện Hà Nội (và nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã tạo được uy tín đáng kể trong khu vực và trên thế giới. Tháng 3 vừa qua, Dàn nhạc thính phòng Tây Nam Mỹ đã cùng tham gia biểu diễn với các nghệ sĩ - giảng viên của Học viện tại Hà Nội và sắp tới (tháng 4) tại Mỹ. Thông qua các buổi biểu diễn cùng nhau, chúng ta có cơ sở để bình đẳng "cuộc chơi" với trình độ chuyên nghiệp cao trên thế giới. Mỗi năm, chúng tôi đón hàng chục đoàn giáo sư, nghệ sĩ từ nhiều nước đến trao đổi và giao lưu. Ðó là những cơ hội quý giá cho các giảng viên và học viên của Học viện. Rất nhiều giáo sư đã nhiệt tình giảng dạy cho sinh viên. Tuy nhiên, cơ chế về chế độ thù lao cho các giảng viên và học bổng cho sinh viên hiện nay chưa được phù hợp, nên có một số giảng viên chưa thể chuyên tâm, dốc sức cho công việc đào tạo tại Học viện. Còn một vế nữa chúng tôi rất quan tâm, là nếu chỉ khép kín trong hoạt động đào tạo thôi là chưa đủ. Môi trường văn hóa, xã hội, bao gồm cả trình độ dân trí, sự ủng hộ của xã hội về tinh thần và vật chất mới có tác động lớn đến việc tạo môi trường thuận lợi cho phát triển và khẳng định tài năng. Ðồng nghiệp chúng tôi ở nhiều nước đều có chung nhận xét là Việt Nam còn thiếu sự quan tâm thỏa đáng cho hoạt động tiếp thị các thể loại nghệ thuật chuyên nghiệp. Phải làm cho công chúng hiểu thì mới có thể cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp của các loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề vượt quá tầm tay của chúng tôi.

PV: Nhà nước đã đầu tư cho Học viện một phòng hòa nhạc lớn. Có thể, đó sẽ là cơ hội?

GS, TS Ngô Văn Thành: Theo dự kiến, đến đầu năm sau phòng hòa nhạc lớn này sẽ được hoàn thành. Ðây sẽ là trung tâm biểu diễn lớn, hiện đại, cao cấp và chuyên nghiệp, đủ điều kiện cho các dàn nhạc lớn đến biểu diễn. Viện Âm nhạc (trực thuộc Học viện) ngoài nghiên cứu và gìn giữ, bảo tồn âm nhạc Việt Nam cũng sẽ mở thêm một trung tâm biểu diễn thể nghiệm các thể loại âm nhạc theo các trào lưu mới. Ðó sẽ là những "cầu nối" giữa Học viện với xã hội. Nhưng phải nói rằng, ở Việt Nam còn thiếu những đơn vị tổ chức tiếp thị âm nhạc chuyên nghiệp để đưa các "sản phẩm" chất lượng cao của Học viện đến với công chúng. Cần phải huy động nhiều tổ chức xã hội, những nhà doanh nghiệp... chung tay xây dựng nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam mà ở đó là sự kết nối giữa Âm nhạc - Công chúng và Tài năng.

PV: Xin cảm ơn ông.