Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn

Tâm huyết với phim Hồ Chí Minh nhìn từ thế kỷ XXI

* Phóng viên: Thưa đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn, ông bắt đầu thực hiện bộ phim này từ bao giờ?

* Đạo diễn NGUYỄN ANH TUẤN: Tôi có quá trình công tác tại Xưởng phim Quân đội trong thời chiến tranh và sau này làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam.

Tôi bắt đầu thực hiện bộ phim đầu tiên về Bác Hồ khoảng năm 1985. Thú thực, từ làm phim Theo dấu chân Bác Hồ tôi đã có cơ hội đọc sách, nghiền ngẫm nhiều điều về cuộc đời, về tư tưởng của Hồ Chủ tịch. Chính điều này cũng nung nấu trong lòng tôi ước mơ làm tiếp theo bộ phim khác nữa về Bác.

Năm 1990, ý tưởng và kịch bản đã được hoàn thành nhân lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác. Chúng tôi đề xuất làm phim với Đài Truyền hình Việt Nam từ năm 1995 nhưng vẫn không thực hiện được. Mãi đến năm 2006, tôi đã gặp thuận lợi từ sự ủng hộ của Hội Điện ảnh Việt Nam và bắt tay làm ngay. Ngoại trừ bối cảnh quay trong nước, chúng tôi đã sang Anh, Pháp, Mỹ để đi tìm những nhân vật là các chuyên gia, học giả nước ngoài có công trình nghiên cứu về Bác. Phim dựng xong khoảng cuối năm 2007.

* Về cấu trúc phim, ông cho là có mới hơn so với bộ phim “Theo dấu chân Bác Hồ”, đã thực hiện cách nay hơn 20 năm?

* Đúng vậy. Theo cách làm trước đây, phim thường rơi vào kiểu làm theo dạng biên niên sử. Cho nên ở phim này chúng tôi chọn cách phản ánh tư tưởng của Bác về độc lập dân tộc trong suốt chặng đường Bác đi từ Pháp sang Anh, sang Mỹ…

Phim được thể hiện hai phần: phần 1 với tiêu đề Khát vọng cao cả, đề cập quan điểm mới của Hồ Chí Minh trong công cuộc giải phóng dân tộc. Đây là sự sáng tạo của Bác Hồ khi Người vận dụng học thuyết Mác - Lênin.

Ở phần 2, tiêu đề lớn là Nhà tư tưởng lỗi lạc. Trong phim, chúng tôi lấy từ dòng chữ khắc trên biểu trưng đặt tại một nhà hàng ở Luân Đôn, Anh (nơi Bác từng đặt chân và là người thợ làm bánh ngọt ở đây): “Hồ Chí Minh, người sáng lập nước Việt Nam hiện đại” để tiếp tục lý giải về tư tưởng của Bác. Điều quan trọng, sự lý giải này được xuất phát từ nhận xét của các nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà triết học phương Tây…

Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn (bên trái)
chuẩn bị một cảnh phỏng vấn ở Mỹ.

* Đoàn làm phim đã lựa chọn các học giả hay chính khách nào?

* Chúng tôi được sự giúp đỡ rất lớn của 3 Đại sứ quán Việt Nam ở Anh, Pháp, Mỹ. Tất nhiên, các nhân vật chọn lựa trong phim không phải là chính khách. Họ là học giả và phần lớn họ là những người đã viết báo, viết sách hoặc có công trình nghiên cứu về Việt Nam, về Bác Hồ. Đó là nhà báo Pháp nổi tiếng Jean De Lacouture, người chuyên nghiên cứu về tình hình Đông Dương và từng có cơ hội gặp, phỏng vấn Bác Hồ vào tháng 2-1946.

Chúng tôi đã gặp Sophie Quinn Judge, nhà văn, nhà nghiên cứu Mỹ, tác giả quyển sách Hồ Chí Minh - những năm tháng lưu lạc; ông Henry Prunier, thành viên đội Con Nai (nhóm OSS Mỹ) đã vào Việt Bắc giúp Việt Minh kháng Nhật năm 1945, 1946.

Từ những nhận định riêng, nhà báo Mỹ Stanley Karnow, đồng tác giả kịch bản phim Việt Nam, thiên sử truyền hình hay nhà sử học Phillip De Viller, họa sĩ David Thomas, Giáo sư William J. Duiker, tác giả quyển Hồ Chí Minh - một cuộc đời…, ai cũng dành rất nhiều tình cảm ngưỡng mộ và đánh giá cao về nhà tư tưởng lỗi lạc Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người mở đầu phong trào giải phóng dân tộc và theo đánh giá của báo Time (Mỹ) Người là một trong 20 gương mặt chính khách làm thay đổi bản đồ thế giới, thay đổi gương mặt hành tinh của chúng ta.

* Ấn tượng của đoàn phim qua chuyến làm phim này?

* Vâng, có rất nhiều điều để suy nghĩ; ở đây, tôi muốn bày tỏ những ấn tượng của mình bất ngờ trước những tình cảm yêu quý trân trọng của những học giả nước ngoài dành cho Bác Hồ.

Tất cả những người từng tiếp xúc với Bác, từng nghiên cứu về Hồ Chủ tịch, ai cũng nhiệt tình, ai cũng yêu Bác, đánh giá cao về Bác. Có người cho rằng chỉ có một Bác Hồ độc nhất trên đời; có người bảo tôi yêu Hồ Chí Minh đến chết.

Tình cảm nhất là ông Jean De Lacouture, ông say mê nói về Bác Hồ đến không muốn dừng lời… Chúng tôi rất ngạc nhiên và cảm động với những nhận xét của ông Alain Ruscio, nhà sử học Pháp hay ý kiến của ông Pierre Brocheux (tác giả quyển Hồ Chí Minh, một con người) khi bàn về ảnh hưởng của tư tưởng Hồ Chí Minh với lớp trẻ và đặc biệt là nhận định sâu sắc về tư tưởng Hồ Chí Minh của ông John Callow, một TS triết học người Anh rất trẻ, đồng thời cũng là Giám đốc Nhà tưởng niệm Karl Marx ở Luân Đôn...

Chúng tôi hết sức tâm huyết và vui sướng với những kết quả thu hoạch bất ngờ từ chuyến đi. Trong suốt các cuộc chuyện trò, đã quay hơn 53 cuốn băng, thời lượng khoảng 1.600 phút, nhưng khi dựng lại thành phim, trong khuôn khổ có hạn, chúng tôi chỉ chắt lọc không đầy 95 phút!

* Xin cảm ơn ông.

-------------

(*) Kịch bản: Lâm Quang Ngọc, Nguyễn Anh Tuấn, Dương Trung Quốc; đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn; quay phim Nguyễn Thước; Hãng phim Hội Điện ảnh sản xuất 2006 - 2007.