Theo đó, HEF 2023 sẽ diễn ra từ ngày 13/9 đến 17/9/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không”. Trong đó, HEF sẽ tập trung sáu chủ đề: Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đối với các siêu đô thị; Xây dựng hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không; Chính sách trong xây dựng tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp; Nguồn lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp; bài học, kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn”; Thực trạng của Thành phố Hồ Chí Minh và giải pháp trong quá trình áp dụng mô hình tăng trưởng xanh.
HEF 2023 dự kiến có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam. Cùng với đó, dự kiến có khoảng 1.200 đến 1.500 đại biểu là các định chế tài chính quốc tế (World Bank, IMF, IFC, ADB...), các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 21 quốc gia, đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các chuyên gia trong nước và chuyên gia ở các quốc gia thành công trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững của thế giới cũng sẽ tham dự HEF 2023.
Được biết, HEF là sự kiện quốc tế thường niên do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức nhằm tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố nói chung và các đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm của Thành phố nói riêng.
Thông qua những trao đổi thẳng thắn, thực chất, Thành phố đã có được cái nhìn sâu sắc và toàn diện về hiện trạng và xu hướng tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên thế giới, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm và đề xuất khả thi có thể áp dụng đối với thực tiễn của Thành phố.
Tại Việt Nam, Chương trình tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó khẳng định tăng trưởng xanh giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Triển khai chiến lược quốc gia, với vai trò trung tâm kinh tế, khoa học-công nghệ, cửa ngõ giao lưu quốc tế… của cả nước, địa phương tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách trọng điểm của quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030”.