Đây là hoạt động khởi đầu trong chuỗi bảy hoạt động quan trọng do Đại sứ quán khởi xướng và chủ trì tổ chức trong Năm chéo Việt Nam - LB Nga 2019 và hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - LB Nga.
Tham dự diễn đàn có hơn 100 đại biểu đại diện Bộ Giáo dục, Bộ Phát triển Kinh tế Nga, giới chuyên gia, các học giả, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt và Việt Nam học hàng đầu của LB Nga, đại diện các trường phái nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam và Việt Nam học đến từ các trung tâm nghiên cứu trên khắp nước Nga, đại diện giới báo chí Nga; các doanh nghiệp Nga và Việt Nam có nhu cầu sử dụng nhân lực, các sinh viên Nga đang theo học tiếng Việt, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt và ngành Việt Nam học tương lai tại LB Nga…
Tại diễn đàn, các đại biểu đã nghe 10 tham luận khoa học của các học giả Nga và Việt Nam, bàn về công tác nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học thời gian qua tại Nga; vai trò của tiếng Việt và Việt Nam học trong việc tăng cường, thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga; nhu cầu tuyển dụng nhân lực tiếng Việt và Việt Nam học tại Nga; phương hướng, triển vọng và giải pháp phù hợp từ các cấp quản lý cũng như cấp viện, các trường đại học nhằm củng cố, tăng cường công tác giảng dạy tiếng Việt phổ biến hơn nữa trong thời gian tới.
Với chất lượng khoa học cao, các tham luận đã đề cập mọi vấn đề của công tác giảng dạy, nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt và Việt Nam học, đánh giá thực trạng, việc thiết kế chương trình, giáo trình, nguồn lực tài chính, xây dựng đội ngũ, sức hấp dẫn khoa học, cũng như nhận định về triển vọng, những tồn tại và hạn chế cần khắc phục...
Trong phiên thảo luận, các nhà Việt Nam học, giới nghiên cứu, giảng dạy và sinh viên đã đóng góp nhiều ý kiến, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất ý tưởng, với mong muốn phát triển ngành Việt Nam học, để tiếng Việt ngày càng gần gũi hơn, lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống chính trị, văn hóa và xã hội Nga. Các ý kiến mang tính xây dựng, đưa ra nhiều giải pháp ở cấp độ chính sách cũng như cấp cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm tăng cường và củng cố công tác nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại LB Nga trong thời gian tới. Diễn đàn là một minh chứng cho thấy sức hấp dẫn, sự lan tỏa, tầm quan trọng và tính cấp thiết của lĩnh vực khoa học này trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu khai mạc và kết luận tại diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh đã khẳng định tầm quan trọng của hợp tác giáo dục và đào tạo nói chung, công tác phát triển đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu Việt ngữ học và ngành Việt Nam học, nói riêng. Đại sứ đánh giá cao chất lượng các tham luận khoa học được trình bày tại diễn đàn lần này và nhấn mạnh: “Tiếng Việt và Việt Nam học trong những năm tháng qua đã khẳng định vai trò và tầm vóc của mình trong tiến trình là công cụ để tăng hiểu biết, tình cảm, quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt - LB Nga”.
Tiếp thu ý kiến đóng góp nhằm phát triển công tác giảng dạy nghiên cứu Việt ngữ học và Việt Nam học tại LB Nga trong thời gian tới, Đại sứ Ngô Đức Mạnh khẳng định, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga luôn quan tâm thúc đẩy và là địa chỉ tin cậy để các nhà khoa học Nga gửi gắm ý tưởng nhằm phát triển, mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ nhà khoa học Nga vì những đóng góp lớn lao trong công tác nghiên cứu, phổ biến, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại LB Nga trong hơn nửa thế kỷ qua, góp phần thắt chặt tình hữu nghị, tinh thần quan hệ quốc tế cao cả giữa hai nước Việt Nam và LB Nga.