Diễn đàn có sự tham dự trực tuyến của các quan chức, đầu mối phụ trách lĩnh vực lao động của các nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, đại diện Liên hiệp châu Âu (EU) tại ASEAN, các chuyên gia tư vấn của Cơ quan đối thoại EU-ASEAN, đại diện các tổ chức quốc tế và các đối tác khác của ASEAN.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động nói chung và của người lao động di cư nói riêng. Theo thống kê gần đây nhất của Liên hợp quốc, có gần 6,8 triệu người lao động nội khối trên tổng số 10 triệu lao động di cư hiện đang sinh sống và làm việc trong ASEAN. Xu hướng dịch chuyển lao động trong và ngoài ASEAN sẽ ngày càng gia tăng, đồng hành cùng các bước tiến của quá trình hội nhập và khẳng định vị thế của ASEAN trước toàn thế giới.
Để chuẩn bị cho một tương lai việc làm, trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, với mục tiêu lấy con người làm trung tâm của sự phát triển và với xu thế hiện nay, Việt Nam lựa chọn thực hiện Nghiên cứu so sánh pháp luật và các chính sách kiên quan tới quản lý lao động di cư trong ASEAN trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, nghiên cứu này nhằm tạo ra một khuôn mẫu trong việc giải quyết các thách thức phức tạp cũng như được hưởng lợi đầy đủ hơn từ xu hướng dịch chuyển lao động toàn cầu đang ngày càng gia tăng. Đồng thời, tạo ra một bức tranh tổng thể về luật pháp và các quy định về lao động di cư tại các nước thành viên ASEAN, và đề cấp đến các thách thức riêng của từng nước cũng như thách thức chung trong khu vực.
“Với những nội dung của báo cáo, chúng ta có thể phối hợp với nhau trong việc mở ra những hoạt động hợp tác tiềm năng để nâng cao khả năng quản lý lao động di cư trong ASEAN làm tăng sự năng động cũng như được hưởng lợi từ trình đô và năng lực của những người lao động di cư trong tương lai” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh mong muốn.
Tại diễn đàn, ông Kung Phoak, Phó Tổng thư ký ASEAN, cho rằng, lao động nhập cư ASEAN trong khu vực mang ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Người lao động di cư lấp đầy khoảng trống về việc làm trong thị trường lao động của các quốc gia và là nguồn kiều hối quan trọng của các quốc gia.
Theo ông Kung Phoak, các nước ASEAN từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của lao động di cư đối với khu vực. Đồng thuận ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của người lao động di cư, các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN và Khung tham chiếu trình độ ASEAN là một số cam kết chung đang cùng kết hợp để hỗ trợ tính di động và sự an toàn của người lao động.
Đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn này, ông Igor Driesmans, Đại sứ EU tại ASEAN cho rằng, Diễn đàn thông qua Cơ chế tăng cường đối thoại EU-ASEAN mà qua đó, EU đã khởi động việc đối thoại chính sách về di cư và dịch chuyển lao động kể từ năm 2018.
“Tự do đi lại là quyền của cá nhân, và quan trọng nhất là dịch chuyển lao động có ý nghĩa tích cực về mặt kinh tế. Di cư lao động đã được công nhận là có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng công bằng, bao trùm và bền vững hơn cũng như phát triển con người cho cả quốc gia xuất phát và quốc gia đến. Do đó một điều quan trọng cần được bảo đảm là các quyền của người lao động di cự được bảo vệ tốt” - ông Igor Driesmans nhấn mạnh.
Bên cạnh các nội dung về Báo cáo Nghiên cứu, các đại biểu đã trao đổi hai chủ đề chính. Thứ nhất là triển vọng hiện tại và thách thức trong tương lai trong việc cải thiện hệ thống giấy phép lao động ở ASEAN nhằm làm hài hòa hoạt động di chuyển lao động. Thứ hai là kết nối việc công nhận kỹ năng với tiếp cận thị trường lao động dựa trên những hiểu biết sâu sắc từ kinh nghiệm của ASEAN và EU.