Điện Biên trong mùa hoa Xuân

Những ngày đầu năm, cái tên Ðiện Biên lại được nhắc đến thật nhiều trong các hành trình khám phá thiên nhiên hoang sơ miền Tây Bắc, hay du lịch về nguồn nơi ghi dấu Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" cách đây 70 mùa Xuân...
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch tham quan đảo hoa anh đào tại hồ Pá Khoang, thành phố Ðiện Biên Phủ. (Ảnh Phan Thành - Fanpage "Du lịch Ðiện Biên cùng thổ địa")
Khách du lịch tham quan đảo hoa anh đào tại hồ Pá Khoang, thành phố Ðiện Biên Phủ. (Ảnh Phan Thành - Fanpage "Du lịch Ðiện Biên cùng thổ địa")

Ðối với tôi và những người trẻ khác tự hào được sinh ra và lớn lên ở Ðiện Biên, quê hương chúng tôi không chỉ là một "địa chỉ đỏ" trên bản đồ lịch sử mà còn là vùng đất nối tiếp những mùa hoa tươi thắm mỗi dịp Xuân về, luôn đầy ắp ân tình và gọi mời du khách gần xa trải nghiệm.

Từ năm 2018 đến nay, mỗi độ tháng 1, tháng 2 dương lịch, những người quan tâm và yêu mến Ðiện Biên đều biết đến "Sự kiện hoa anh đào" được tổ chức tại "đảo hoa" ở lòng hồ Pá Khoang, thành phố Ðiện Biên Phủ.

Hương sắc kết tinh từ tình yêu

Từ năm 2024, tỉnh Ðiện Biên đã nâng tầm sự kiện hoa anh đào thành "Lễ hội hoa anh đào" với đa dạng hoạt động, mở màn cho nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch lớn như: Lễ hội Hoa Ban 2024, Năm Du lịch Quốc gia Ðiện Biên, Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), 115 năm thành lập tỉnh (28/6/1909-28/6/2024) và 75 năm thành lập Ðảng bộ tỉnh (10/10/1949-10/10/2024). Hàng vạn người dân và du khách quốc tế, đặc biệt nhiều vị khách đến từ Nhật Bản, đã cùng thưởng ngoạn cảnh đẹp dưới tán hoa anh đào, giao lưu văn hóa, thi đấu thể thao.

Thật thú vị và hiếm có khi cùng lúc được thấy những thiếu nữ trong bộ yukata khoe sắc ngay bên cạnh áo cóm Thái hay váy thổ cẩm H’Mông, nếm rượu Mông Pê và lẩu thắng cố đặc trưng miền núi phía bắc Việt Nam cùng rượu sake và lẩu Oden của Nhật, xem biểu diễn âm nhạc truyền thống từ hai quốc gia...

Khu vườn hoa anh đào tuyệt đẹp nằm gần khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, rất thuận tiện cho lịch trình tham quan của du khách đến thăm vùng đất chiến trường xưa. Hoa anh đào (sakura) mệnh danh quốc hoa của nước Nhật giữa Thái Bình Dương xa xôi, cũng nổi tiếng kiêu kỳ khó trồng nơi khác, vậy mà đã bén rễ xanh cây, vươn mình trổ hoa và tạo thành một sản phẩm du lịch đặc sắc trên đất Ðiện Biên anh hùng.

Tại "đảo hoa" đang ươm trồng gần 10.000 cây anh đào thuộc hơn 20 giống khác nhau, trong đó khoảng một phần ba sinh trưởng khỏe mạnh và nở hoa đúng dịp đón Xuân hằng năm, đó là thành quả của nhiều năm, nhiều cá nhân và tổ chức cả phía Việt Nam và Nhật Bản. Và chắc chắn người có công lao lớn nhất là Tiến sĩ sinh học Trần Lệ, nhà khoa học quê Hải Phòng đã đem tài năng và nhiệt huyết để thuần dưỡng, nhân giống thành công hoa anh đào Nhật ở Mường Phăng. Ông được mọi người thường gọi trìu mến là "chúa đảo hoa".

Những người từng có dịp gặp gỡ, trò chuyện với Tiến sĩ Trần Lệ và biết ông còn là một cựu chiến binh, sẽ thấy càng cảm phục trước động lực cũng như quá trình ông cùng các cộng sự nỗ lực tạo ra "đảo hoa", tạo thêm giá trị cho vùng đất vốn thu hút du khách với những giá trị lịch sử.

Năm 2005, người lính già Trần Lệ có cơ duyên được gặp Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng (số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội) và được nghe Ðại tướng chia sẻ tâm tư về việc tuy chiến tranh đã lùi xa, nhưng đồng bào Mường Phăng (hiện nay gồm hai xã Mường Phăng và Pá Khoang) Ðiện Biên còn vất vả, mong các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu nếu có thể hãy cố gắng làm được gì đó cho Mường Phăng.

Dành nhiều năm nuôi cấy, thực hành các công nghệ sinh học mới ở nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa các tỉnh miền núi phía bắc, ông Trần Lệ luôn canh cánh lời Ðại tướng căn dặn, động viên. Thế rồi năm 2006, Tiến sĩ Trần Lệ trồng những cây anh đào đầu tiên ở Mường Phăng từ những hạt giống hoa anh đào (tiếng Nhật: sakura) mà ông được một người bạn Nhật Bản tặng trồng thử.

Biết chuyện anh đào có thể sinh trưởng tại Mường Phăng, Ðại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam bấy giờ mới cử đoàn công tác lên tận nơi và tặng thêm hạt giống. Ðáng nói, kỳ tích của Tiến sĩ Trần Lệ không phải ngẫu nhiên mà dựa trên những nghiên cứu, khảo sát và thử nghiệm công phu. Chẳng hạn, ông phải chia hạt giống ra trồng ở nhiều nơi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, bao gồm: Mường Phăng (Ðiện Biên), Tân Lạc (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai), Tam Ðảo (Vĩnh Phúc)…

Tại Mường Phăng, ông chọn một đảo nhỏ với nhiều yếu tố thuận lợi có thể khắc phục những đặc tính khiến anh đào khó trồng ngoài Nhật Bản. Theo Tiến sĩ Trần Lệ, hồ Pá Khoang nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, mùa đông không mưa, mùa hè mát mẻ, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao, thích hợp với sự sinh trưởng của nhiều loài cây xuất xứ ôn đới.

Anh đào Nhật Bản nở hoa dưới bầu trời Ðiện Biên là niềm hạnh phúc cho người trồng, mang lại giá trị kinh tế khi có thể cung cấp số lượng lớn cây giống đi nhiều nơi, làm đẹp cho đời. Ðồng thời tiềm năng ấy được nhân lên không ngừng khi hình ảnh lung linh của "đảo hoa" lan tỏa rộng rãi trên mạng, lọt vào danh sách gợi ý của nhiều diễn đàn du lịch nổi tiếng thế giới.

Bên cạnh thành công của Tiến sĩ Trần Lệ, tỉnh Ðiện Biên cũng đã tiếp nhận thêm 1.000 cây anh đào do một tổ chức hữu nghị Việt-Nhật trao tặng để trồng trên địa bàn tỉnh. Giữa tháng 1/2024, Công ty cổ phần Hoa anh đào Trần Lệ phối hợp Chi nhánh Viettel Ðiện Biên tiến hành gắn mã truy xuất nguồn gốc cho cây, giúp mọi khách hàng, du khách, người dân đều có thể dùng điện thoại thông minh tìm hiểu các thông tin từng sản phẩm nông, lâm nghiệp này.

Còn Tiến sĩ Trần Lệ, người xuân này bước sang tuổi 75, vẫn chưa ngừng nghỉ khát khao làm cho mùa hoa anh đào kéo dài hơn, nhân thêm nhiều giống hoa anh đào cũng như mang thêm hoa quý khác về Mường Phăng. Với ông, chung tay góp sức để Ðiện Biên nói chung, Mường Phăng nói riêng thêm hấp dẫn khách du lịch là việc ông đã, đang và sẽ làm vì tình yêu dành cho vùng đất đặc biệt không chỉ gắn với cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc Việt Nam mà còn giàu tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.

Điện Biên trong mùa hoa Xuân ảnh 1

Ðảo hoa anh đào tại hồ Pá Khoang, thành phố Ðiện Biên Phủ, một điểm thu hút du khách. (Ảnh PHAN THÀNH - Fanpage "Du lịch Ðiện Biên cùng thổ địa")

Điểm hẹn giữa ngàn hoa

"Ðảo hoa" Mường Phăng là một doi đất nhỏ trong số hàng nghìn hòn đảo rải rác giữa lòng hồ Pá Khoang, nằm cách trung tâm thành phố Ðiện Biên Phủ khoảng 20 km, có hai tuyến đường đi phổ biến là đường thủy (dùng thuyền máy xuyên hồ) và đường bộ (từ bản Kéo, xã Pá Khoang). Du khách không đi theo tour du lịch cũng có thể dễ dàng tự trải nghiệm, băng qua những con đường nhỏ uốn lượn quanh núi rừng xanh ngát, không khí trong lành, ngắm nhìn nhiều bản làng người Thái, người H’Mông, người Khơ Mú và những chiếc cầu treo độc đáo nối liền đảo này với đảo kia…

Vài năm nay, người dân trong và ngoài tỉnh Ðiện Biên rất yêu thích hoạt động dã ngoại cùng gia đình và bạn bè mùa hoa anh đào, cùng đi ngắm hoa, cắm trại, giao lưu văn nghệ, cho trẻ nhỏ vận động và học hỏi từ thiên nhiên. Theo anh Phan Thành, đại diện Công ty Du lịch Ðiện Biên cùng thổ địa, mùa anh đào hai năm gần đây thu hút lượng đáng kể du khách từ các tỉnh, thành phố phía nam.

Tuy nhiên, nếu không có dịp đến đúng mùa hoa anh đào, du khách cũng không phải thất vọng bởi từ cuối đông cho đến trọn vẹn tiết xuân, mọi nẻo đường ở Ðiện Biên đều được tô điểm bởi nhiều loài hoa. Dã quỳ vàng ươm còn chưa tàn, hoa cải trắng muốt đã rộ nở, rồi đến hoa đào rừng, hoa anh đào, hoa mơ, hoa mận bung muôn hồng ngàn tía.

Ðón Tết Nguyên đán xong, hoa ban tím, hoa gạo đỏ lại vào mùa, khiến đất trời Tây Bắc thêm ấm áp và rực rỡ… Thời điểm cuối tháng 2 đến tháng 3 dương lịch, được mong chờ nhất hẳn là mùa hoa ban, loài hoa được coi như biểu tượng của Ðiện Biên nhiều năm qua. Cây ban có đặc tính ưa sáng nên thường mọc tự nhiên ở nơi thoáng đãng như ven đường, trên đồi cỏ thấp, thậm chí trên vách núi đá. Hoa ban nở khi lá đã rụng hết, tạo nên những vòm hoa khổng lồ như được kết từ hàng nghìn, hàng vạn chú bướm nhỏ.

Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Ðiện Biên thường xuyên tổ chức Lễ hội Hoa Ban vào giữa tháng 3 hằng năm. Ðể bảo tồn, phát huy giá trị cây ban và Lễ hội Hoa Ban trở thành thương hiệu văn hóa-du lịch nổi bật, cây ban còn được người dân Ðiện Biên trồng trước cửa nhà, ở trường học, công viên, công sở và khuôn viên các danh lam thắng cảnh.

Có thể kể đến một số địa điểm nhiều hoa đẹp mà du khách và giới họa sĩ, nhiếp ảnh gia yêu thích như: khu vực Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ và các tuyến đường trung tâm thành phố, xã Thanh Minh, xã Nà Nhạn (thành phố Ðiện Biên Phủ); đường từ Mường Chà sang Mường Nhé; thị xã Mường Lay; xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa); Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (huyện Ðiện Biên)…

Ðông đảo du khách đã có được những khoảnh khắc khó quên khi "check-in" với rừng ban trắng tinh khôi, rồi lại tiếp tục xúc động khi biết hoa ban có ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với cộng đồng người Thái nơi đây, như tôn vinh lòng hiếu thảo, tình yêu thuần khiết. Người Thái dâng hoa ban lên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp đầu năm, dùng hoa ban để chế biến nhiều món ẩm thực địa phương hấp dẫn.

Càng ý nghĩa hơn, cây hoa ban còn tựa như một "sứ giả" văn hóa được mang đến ươm trồng ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh… để quảng bá hình ảnh Ðiện Biên, tăng cường mối quan hệ giao lưu, tình đoàn kết và xúc tiến các hoạt động thương mại, du lịch.

Dự kiến, Lễ hội Hoa Ban năm 2024 sẽ mở màn vào ngày 16/3, "xứ sở hoa ban" tươi đẹp, giàu truyền thống sẽ đón dòng người từ muôn phương về ôn lại lịch sử oanh liệt cũng như khám phá một phần văn hóa đậm đà nơi biên cương cực Tây của Tổ quốc. Những người dân nơi đây sẽ chia sẻ với du khách về những di tích vang bóng một thời, những lễ hội mùa xuân rộn ràng của 19 dân tộc anh em sinh sống nơi đây, hay chỉ đơn giản là những con đường đẹp nhiều hoa ban nở… với tất cả những kỷ niệm thân thương và niềm hãnh diện.