Điểm tựa cho người nghèo vươn lên

Bình Phước là tỉnh có 41 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 20% số dân của tỉnh. Những năm gần đây, Bình Phước ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, bình quân mỗi năm tỉnh giảm hơn 2.000 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, trong đó giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Công trình nước sạch tập trung tại huyện biên giới Bù Gia Mập.
Công trình nước sạch tập trung tại huyện biên giới Bù Gia Mập.

Đến đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 1.121 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,40% trong tổng số hộ dân, số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 574 hộ, chiếm tỷ lệ 51,2% trong tổng số hộ nghèo của toàn tỉnh.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bình Phước đẩy mạnh công tác xóa nghèo, đồng thời ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Đến nay, 100% số xã có đường nhựa đến tận trung tâm; tỷ lệ thôn có đường ô-tô đến trung tâm được cứng hóa 200km, đạt 85%, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác đạt 98,7%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 99,07%, tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng đạt 70%; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được đào tạo đạt 70%.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Tuệ Hiền cho biết, ngay từ đầu năm, tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung triển khai công việc theo năm giải pháp chủ yếu, trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo, Đặc biệt, tỉnh chú trọng vào các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Điểu Vũ (thôn 5, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) đã mua cây, con giống phát triển kinh tế gia đình và đã thoát nghèo năm 2023. Anh Điểu Vũ cho biết, gia đình anh đói nghèo vì thiếu đất sản xuất, lại không có nghề nghiệp ổn định. Năm 2022, gia đình anh được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Đăng cho vay 100 triệu đồng để chăn nuôi bò và phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, các hội, đoàn thể của huyện Bù Đăng và xã Bình Minh hướng dẫn cách trồng, chăm cây, con giống. Sau một thời gian, gia đình có thu nhập ổn định từ cây trồng và vật nuôi. Đến cuối năm 2023, gia đình anh đã thoát nghèo.

Trước đây, cuộc sống gia đình bà Thị Geo (thôn Đắk Xuyên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng) hết sức khó khăn, nguồn thu chủ yếu dựa vào cây điều, chăn nuôi khó phát triển vì không có vốn, kinh nghiệm lại hạn chế. Được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình bà đã đầu tư mua bò, lợn giống về nuôi. Nhờ được hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăm sóc, gia đình bà đã có 11 con lợn và 15 con bò. Giờ đây, kinh tế gia đình ổn định, các nguồn thu bảo đảm.

Ông Hạp Tiến Khoa, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Đăng cho biết, năm 2024, đơn vị đã giải ngân 166,9 tỷ đồng cho 3.669 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ toàn huyện đạt 637,5 tỷ đồng; toàn huyện có 13.238 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn chính sách chủ yếu tập trung ở các chương trình tín dụng: Hỗ trợ thoát nghèo; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đóng góp tích cực vào việc thực hiện giải quyết vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, phục vụ đời sống sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác.

Bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện Bù Đăng có dư nợ khoảng 40 tỷ đồng, cá biệt có xã Đắk Nhau có dư nợ cao nhất lên đến 74,5 tỷ đồng. Nhờ đó, xã Đắk Nhau là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ thoát nghèo cao nhất huyện Bù Đăng. Riêng năm 2023, toàn xã Đắk Nhau đã có 144 hộ thoát nghèo bền vững, trong đó có 43 gia đình được hỗ trợ về nhà ở.

Ông Nguyễn Mạnh Trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắk Nhau cho biết, năm 2023, Đắk Nhau phấn đấu về đích nông thôn mới nên ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đặc biệt quan tâm công tác giảm nghèo. Trên cơ sở nguồn vốn của tỉnh, huyện và vốn huy động trong nhân dân, xã đã phân bổ kịp thời nên mới đạt được kết quả như vậy.

Song song với việc sử dụng nguồn vốn chính sách giúp người nghèo phát triển kinh tế một cách hiệu quả, Bình Phước vận động các nguồn lực hỗ trợ người dân an cư thông qua hoạt động xóa nhà dột nát, nhà tạm. Với phương châm "Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, các hộ gia đình thụ hưởng đóng góp thêm" để xây dựng căn nhà thêm khang trang, vững chắc, giai đoạn 2019-2023, Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ xây dựng 5.071 căn nhà đại đoàn kết, trị giá gần 313 tỷ đồng, cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước Hà Anh Dũng cho biết, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động hoàn thành trong năm 2025; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện trong toàn tỉnh. Đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp đang phối hợp các ngành chức năng liên quan rà soát đối tượng để tổ chức thực hiện. Để bảo đảm tính đồng bộ thống nhất trong việc triển khai xây dựng nhà, Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng thiết kế mẫu ngôi nhà chung để xây dựng trong toàn tỉnh.

Trong mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, Bình Phước quyết tâm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để đến hết năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều; tạo tiền đề để tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11.

Các căn nhà đều được xây dựng theo tiêu chuẩn ba cứng (tường cứng, mái cứng, nền cứng), được thực hiện theo quy cách: Tường xây tô, mái lợp tôn; cửa sắt gắn kính; nền lát gạch hoa, diện tích xây dựng ít nhất từ 50m2 trở lên. Trị giá xây dựng căn nhà từ 80 triệu đồng do Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh hỗ trợ, từ đó đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người nghèo.