Một thời gian dài, nhiều diện tích đất lâm nghiệp ở Bắc Kạn chưa được chú trọng khai thác, cây mọc tự nhiên, người dân chỉ thu được gỗ tạp, lâm sản phụ, vì thế giá trị kinh tế không cao. Trước tình hình đó, Bắc Kạn đã có cơ chế khuyến khích, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ nhân dân trồng rừng sản xuất.
Tỉnh hỗ trợ thiết kế, giống cây, công chăm sóc đối với trồng mới rừng sản xuất tập trung 5 triệu đồng/ha, hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn 10 triệu đồng/ha, xây dựng đề án hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn tham gia trồng rừng.
Nhờ vậy, người dân từ chỗ "phải" trồng rừng để được nhận hỗ trợ đã chuyển sang "muốn" được trồng rừng.
Trong đó, Chợ Đồn là một trong những địa phương có phong trào trồng rừng mạnh mẽ và sớm của Bắc Kạn. Khu phía nam huyện gồm các xã: Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, Yên Phong, Yên Mỹ..., là vùng trọng điểm về phát triển kinh tế rừng của huyện.
Nhiều khu vực trước đây từng bị bỏ không thì nay đã được phủ xanh bằng các loài cây lâm nghiệp có giá trị. Hiệu quả từ trồng rừng là rất rõ khi phần lớn các nhà xây của nhân dân nơi đây đều đến từ trồng, khai thác rừng sản xuất.
Riêng tại xã Nghĩa Tá, trong năm qua có khoảng 50 căn nhà được xây mới, tất cả đều từ khai thác, trồng rừng. Toàn xã hiện có tới 90% hộ dân tham gia trồng rừng.
Từ năm 2011 đến 2018, bình quân mỗi năm Bắc Kạn trồng mới hơn 10.000ha rừng. Giai đoạn sau, khi phần lớn diện tích trống đã kín rừng thì bình quân mỗi năm tỉnh tiếp tục trồng mới và trồng thay thế từ 4.000 đến 5.000ha rừng/năm.
Trong giai đoạn 2016-2022 giá trị ngành chế biến gỗ bình quân chiếm 14,57% giá trị ngành công nghiệp và chiếm 0,91% GRDP của tỉnh, tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, nhất là năm 2020 tăng 39,87%.
Một số dự án lớn về chế biến gỗ đã được đầu tư xây dựng, vận hành; các sản phẩm như ván dán, đũa gỗ,... là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh.
Bắc Kạn cũng đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng rừng trồng. Tỉnh xây dựng 10 mô hình sản xuất cây gỗ lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ban hành chính sách: đối với trồng rừng gỗ lớn từ 0,5ha trở lên, tỉnh hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng 6%/năm, mức vay cao nhất 30 triệu đồng/ha, thời hạn hỗ trợ nhiều nhất 3 năm.
Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ chi phí nhân công, bảo vệ, chăm sóc 500 nghìn đồng/ha/năm. Người dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tỉa giảm mật độ cây keo từ 2.500 cây/ha xuống 400 cây/ha, cây thông giảm từ 2.000 cây/ha xuống 600 cây/ha, trồng xen cây gỗ lớn dổi, trám trắng, lát. Sau chuyển đổi, mỗi héc-ta keo tăng giá trị kinh tế ba lần; cây thông tăng giá trị 2,5 lần so với rừng gỗ nhỏ.
Để phục vụ khai thác gỗ rừng trồng, giảm chi phí vận chuyển, Bắc Kạn đã quy hoạch hệ thống đường lâm nghiệp. Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh sẽ xây dựng 1.208km đường lâm nghiệp ở tất cả các huyện, thành phố; tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng. Triển khai quy hoạch, cuối năm 2021, Bắc Kạn đã phê duyệt dự án đường lâm nghiệp, giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, tỉnh đầu tư 200 tỷ đồng để xây dựng 183 tuyến đường lâm nghiệp trên địa bàn 73 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố. Tổng chiều dài các tuyến là 445km, tiêu chuẩn thiết kế đường giao thông nông thôn loại C (TCVN 10380-2014), có châm chước về độ dốc.
Thời gian tới, Bắc Kạn tập trung tăng tỷ lệ rừng kinh tế đa chức năng, chuyển đổi khai thác gỗ non sang khai thác gỗ lớn cung cấp cho công nghiệp chế biến xuất khẩu. Tỉnh tập trung bảo vệ, nâng cao chất lượng hơn 29.913ha rừng đặc dụng, 78.445ha rừng phòng hộ, 188.393ha rừng sản xuất.
Ðồng thời, tăng cường trồng rừng phân tán, trồng lại rừng sau khai thác, gắn với thâm canh, phát triển rừng gỗ lớn, nghiên cứu dành nguồn thu từ đất của các huyện, cũng như vận động nhân dân tham gia mở đường lâm nghiệp để giảm chi phí khai thác, vận chuyển, tăng hiệu quả kinh tế rừng.