Theo kế hoạch, năm 2024 chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023. Phần lớn các doanh nghiệp tham gia chương trình có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng.
Cụ thể, hoạt động phân phối có các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu cả nước như: Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market, AEON, Fahasa… Hoạt động sản xuất, cung ứng có các doanh nghiệp quy mô lớn như: Vinamilk, Nutifood, Vissan, Vinh Phát, Ba Huân, San Hà, C.P Việt Nam, Vinamit, Bình Tây, Miliket, Saigon Food, Cholimex…
Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp lớn lần đầu tham gia chương trình như: Tập đoàn Lộc Trời (mặt hàng gạo), Tổng công ty May 28 (đồng phục học sinh, nước uống), Sapuwa (nước uống), Ion Life (nước uống), Family Mart (phân phối), Hòa Phát (nước tẩy rửa), Công ty cổ phần Thế giới di động (thiết bị điện tử phục vụ học tập)… Qua đó, nhiều đối tượng người tiêu dùng đã được tăng thêm cơ hội tiếp cận, mua sắm hàng hóa bình ổn.
Về danh mục hàng bình ổn thị trường, so với năm 2023, chương trình mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng. Chẳng hạn, nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được bổ sung nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt, chất tẩy rửa, khăn giấy, túi rác phân hủy sinh học…; nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được bổ sung muối, nước uống; nhóm các mặt hàng phục vụ học tập được bổ sung các thiết bị điện tử phục vụ học tập (laptop, máy tính để bàn, máy in…)…
Còn về lượng hàng bình ổn thị trường, căn cứ nhu cầu, sức mua, kết quả cung ứng năm 2023, lượng hàng bình ổn thị trường năm 2024 tăng từ 4% đến 6% so năm 2023; chiếm từ 21% đến 32% nhu cầu thị trường trong tháng thường, chiếm từ 24% đến 41% trong tháng mùa Tết; đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.
Chẳng hạn, đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 23% đến 31% nhu cầu thị trường trong các tháng thường, chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường trong các tháng mùa Tết. Còn các mặt hàng phục vụ học tập, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35% đến 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố năm học 2024-2025…
Về cơ chế thực hiện, chương trình bổ sung một số hình thức hỗ trợ đối với các doanh nghiệp như: Hỗ trợ giá thuê mặt bằng kinh doanh, bán lẻ; hỗ trợ dịch vụ vận chuyển, xây dựng thương hiệu… Đồng thời, chương trình cũng bổ sung nhiều quyền lợi của doanh nghiệp tham gia như: Hỗ trợ truyền thông, quảng bá, tôn vinh thương hiệu sản phẩm…
Ngoài ra, trong năm 2024 chương trình kết hợp đồng bộ với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh doanh của thành phố như: Kích cầu tiêu dùng, kết nối tín dụng, kết nối cung-cầu, khuyến mại tập trung, xúc tiến du lịch, hợp tác kinh tế-xã hội với các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm…; qua đó, giúp nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thành phố nói chung và doanh nghiệp bình ổn thị trường nói riêng.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương, thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục đeo bám quyết liệt, triển khai hiệu quả chương trình; nắm bắt những bất cập, điểm chưa hợp lý, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp từng giai đoạn; nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để hỗ trợ; từng bước thí điểm, đánh giá và nhân rộng, mở rộng quy mô hoạt động bình ổn thị trường ở các nhóm, sản phẩm, ngành hàng khác.
Điều chỉnh nguyên tắc xác định giá bình ổn thị trường
Theo quy chế triển khai chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố năm 2024-2025, giá hàng hóa bình ổn thị trường được được điều chỉnh theo nguyên tắc mới. Cụ thể, giá bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực (gạo, mì ăn liền, bánh phở khô, sợi bún khô, nui khô), đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, tập học sinh, cặp, ba-lô, túi xách học sinh, các mặt hàng dược phẩm thiết yếu, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu bảo đảm thấp hơn ít nhất 5% so với giá bình quân thị trường cùng thời điểm của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Còn giá bình ổn thị trường các mặt hàng khác bảo đảm hợp lý, ổn định và có khả năng dẫn dắt thị trường. Bên cạnh đó, giá bình ổn thị trường được điều chỉnh giảm khi giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào giảm hơn 3% so với lần công bố giá liền kề trước hoặc giá bình ổn thị trường không phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 9 quy chế này. Trong ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh giảm giá bình ổn thị trường của Sở Tài chính, doanh nghiệp cung ứng có trách nhiệm giải trình đầy đủ, đề xuất mức giá điều chỉnh và phối hợp Sở Tài chính, sở-ngành liên quan, doanh nghiệp phân phối để xem xét, thống nhất.