Diêm dân vui vì muối được mùa, được giá

Trong những ngày hè này, dưới cái nắng như thiêu, như đốt, hàng trăm diêm dân Phú Lộc, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) vẫn cần mẫn sản xuất muối. Năm nay, diêm dân Quảng Phú phấn khởi vì vụ muối bội thu, vừa được mùa vừa được giá.
Diêm dân Quảng Phú thu muối sau một ngày sản xuất.
Diêm dân Quảng Phú thu muối sau một ngày sản xuất.

Quảng Bình trước đây có nhiều làng nghề làm muối thủ công. Trải qua bao thăng trầm, hiện Phú Lộc là địa phương duy nhất trong tỉnh vẫn còn duy trì nghề làm muối. Không những vậy, người làm nghề muối đang được trẻ hóa ở làng muối bên chân dãy Hoành Sơn hùng vĩ này.

Vụ muối ở thôn Phú Lộc thường kéo dài từ tháng 3 sang tháng 8 hằng năm. Công việc này chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, trời càng nắng thì hạt muối làm ra càng đẹp, càng trắng.

Dưới cái nắng 39oC của những ngày cuối tháng 7, trên cánh đồng muối xã Quảng Phú, hàng trăm diêm dân đang hối hả làm việc mặc cho sức nóng dưới mặt đất bốc lên oi nồng. Đưa tay quệt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm vì cháy nắng, diêm dân Phạm Ngọc Chính ở thôn Phú Lộc 1, xã Quảng Phú cho biết, nghề muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết cho nên trong suốt cả vụ, diêm dân luôn thấp thỏm canh nắng, canh mưa, trực ngoài ruộng muối ngay giữa trưa hè nắng gắt, bởi chỉ cần chủ quan một chút, công sức sản xuất muối cả ngày có thể thành công cốc.

“Gia đình tôi sống nhờ vào hơn 1.000 m² ruộng muối, những ngày nắng gắt thu được hơn 1 tấn muối khô, cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Nghề làm muối tuy vất vả, mệt nhọc nhưng tôi đã gắn bó hàng chục năm nay. Nghề muối cũng nuôi sống gia đình tôi qua bao thế hệ cho nên dù vất vả, thăng trầm vẫn không bỏ được”, ông Chính chia sẻ.

Gia đình ông Võ Huỳnh ở thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú có diện tích ruộng muối khá lớn với 8.000 m². Buổi trưa, ông vẫn có mặt trên đồng muối để kiểm tra độ muối kết tinh trên ô chạp. Ông Huỳnh nói: Hôm nay trở gió nồm cho nên muối kết tinh chậm hơn hôm qua. Trời nồm là thường có mưa dông, diêm dân phải nắm bắt được quy luật đó để chủ động sản xuất muối cho hôm sau. Để làm ra được một mẻ muối phải trải qua nhiều công đoạn vất vả và nhiều công sức, thấm đẫm mồ hôi của diêm dân.

Bắt đầu từ việc chuẩn bị ruộng, đầm đất, lấy nước mặn vào ruộng, phơi cát, ngâm cát cho đến lắng lọc nước rồi múc đưa lên ô chạp phơi muối (người dân thường gọi là giang). Đến chiều, nước biển bốc hơi để lại những hạt muối tinh khiết trên nền bê-tông, người dân dùng nạo vun muối thành đống để chuyển về nhà kho. Công đoạn này thường diễn ra từ trưa đến chiều nhưng cũng có khi người dân phải làm đến đêm mới kịp vụ sản xuất.

Nét độc đáo của nghề muối ở Quảng Phú là diêm dân thay vì dùng nước biển làm muối như những địa phương khác, họ lại dùng nước từ cửa sông Loan - dòng sông bắt nguồn từ dãy Hoành Sơn đổ ra biển. Vì vậy hạt muối Quảng Phú được đánh giá chứa nhiều khoáng chất, độ mặn vừa phải, không có vị chát.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Nguyễn Ngọc Minh cho biết, làm muối là nghề truyền thống của địa phương, hiện nay, cánh đồng muối của xã có diện tích gần 80 ha. Những năm gần đây, đồng muối đã được đầu tư hệ thống mương dẫn nước mặn, ruộng giang nước, ô chạp phơi muối cho nên chất lượng và sản lượng muối ngày càng được nâng cao. Quảng Phú có 260 hộ dân đang sản xuất muối với sản lượng mỗi năm đạt từ 5.000-7.000 tấn. “Năm nay nắng nóng kéo dài, dự kiến sản lượng muối sẽ tăng cao hơn so với năm ngoái.

Với giá muối gần 2.000 đồng/kg, nhiều hộ làm muối có thu nhập từ 1-2 triệu đồng/ngày. Năm nay, diêm dân đã tận dụng hết diện tích đất để làm muối chứ không bỏ hoang như trước. Chính quyền địa phương đang nỗ lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất, trong đó có nghề muối, góp phần xây dựng thương hiệu, chất lượng muối Phú Lộc để tạo thu nhập ổn định, lâu dài cho người dân”, ông Minh cho biết.

Thời điểm này giá muối khá cao, thời tiết thuận lợi cho nên diêm dân Quảng Bình đang tích cực sản xuất để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, để làng muối duy nhất ở tỉnh Quảng Bình duy trì và nâng cao hiệu quả nghề làm muối, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh và các cơ quan liên quan cần quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ diêm dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để phát triển nghề muối truyền thống. Bên cạnh đó, chính quyền cần quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho nghề muối và hỗ trợ để tạo sự ổn định trong khâu tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất những vụ muối tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm