"Đích" cuối là bảo đảm an sinh lâu dài cho người dân

Với phương châm xuyên suốt "lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trên nền tảng đó, thời gian qua, công tác tiếp nhận và giải quyết chế độ, quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người tham gia, thụ hưởng chính sách được kịp thời, đầy đủ, trong mọi trường hợp không phân biệt địa giới hành chính và bảo đảm đúng quy định hiện hành.
0:00 / 0:00
0:00
Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chính sách cho người lao động tại Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chính sách cho người lao động tại Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 4/2023, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội trên cả nước là 17,1 triệu người, tăng 503.000 người so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,4 triệu người, tăng 122 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022. Số tham gia bảo hiểm y tế là 90,226 triệu người, tăng 4,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng 1.436 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Số được giải quyết hưởng mới bảo hiểm xã hội là 882.286 người, 94.506 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong tháng 4 là hơn 13 triệu lượt người, với tổng số chi là 9.102 tỷ đồng.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành tiếp tục được đẩy mạnh.

Trong tháng 4/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá tình hình triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính: Ðăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Ðăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng tại Hà Nội và Hà Nam để đánh giá việc thực hiện nhằm hoàn thiện quy trình liên thông điện tử với 2 nhóm thủ tục này.

Tại hội nghị giao ban cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam tháng 5/2023, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Chu Mạnh Sinh cho biết: Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ rà soát lại quy định về việc bố trí cán bộ tiếp nhận và trả thủ tục hành chính tại các trung tâm dịch vụ hành chính công ở các địa phương; đánh giá hiệu quả thực tế và cân nhắc việc bố trí cán bộ trực tại các địa điểm này sao cho phù hợp với xu hướng ngày càng nhiều người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến/giao dịch điện tử…

Thông tin về việc các chỉ số thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có dấu hiệu chững lại, Trưởng ban Quản lý thu - sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết: Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại các địa phương đều hoạt động khó khăn sau đại dịch, một số doanh nghiệp có cơ chế "giữ chân" người lao động bằng cách trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng, cùng với đó một số tập đoàn do không đủ tài chính dẫn đến việc cắt giảm lao động không quay trở lại làm việc.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, nhiều đơn hàng của họ cũng sắp hết hạn, và nếu không kịp thời có đơn hàng mới, thì trong thời gian tới, có thể diễn ra tình trạng sụt giảm lao động… đặc biệt tập trung tại một số địa phương có số người lao động lớn, như: Bình Dương, Ðồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang.

Ðể làm tốt công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Ðình Liệu cho rằng: Xác định việc mở rộng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ khó khăn trong năm nay, nhóm đối tượng cần tập trung hơn nữa trong giai đoạn hiện nay là bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế do người dân tự đóng, vì vậy, yêu cầu phải có sự chủ động của từng đơn vị trong hệ thống ngành bảo hiểm xã hội.

Tại tỉnh Thái Bình đang có nhóm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới là do các tổ chức dịch vụ thu tư nhân thực hiện. Sự linh hoạt của cơ quan Bảo hiểm xã hội trong phát triển mạng lưới dịch vụ thu, cũng như tập trung tập huấn đào tạo đã mang lại hiệu quả tích cực bước đầu. Do đó, cơ quan bảo hiểm xã hội mỗi địa phương cần khảo sát, đánh giá, xây dựng kịch bản riêng phù hợp điều kiện thực tế...

Năm 2022, theo thống kê đã có khoảng 18,3 triệu lượt người tương tác, tiếp cận với các thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ðây cũng là năm Bảo hiểm xã hội Việt Nam được xếp là đơn vị dẫn đầu các bộ, ngành về số giao dịch thành công trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia với gần 278 triệu giao dịch.

(Theo Báo cáo chuyên đề về "Kết nối, chia sẻ dữ liệu"
của Bộ Thông tin và Truyền thông)