Là một người làm lưu trữ hơn 20 năm, chị Phạm Thị Lai - trưởng phòng tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, người phụ trách nhóm công tác - cẩn trọng: “Tất cả sẽ được công bố sau khi chúng tôi đã phân loại, nghiên cứu và trình kết quả lên cấp có thẩm quyền".
Chị Lai kể về một tháng tìm kiếm, làm việc kể từ khi đặt chân xuống sân bay Domodedovo đến khi xách những chiếc va-li nặng trĩu tài liệu quý về nước: “Lưu trữ lịch sử chính trị quốc gia Nga là cơ quan lưu trữ lớn nhất nước Nga, có tới 685 phông lưu trữ (phông là đơn vị lưu trữ lớn nhất theo thuật ngữ của chuyên ngành lưu trữ) với 2,1 triệu hồ sơ lưu trữ. Trong đó tư liệu về Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ chỉ là một mục lục trong một hồ sơ, với số lượng tài liệu hiện vật khoảng 7.000 trang. Trước đây, thời Liên Xô, các bạn có tặng chúng ta hầu hết các tài liệu mà họ lưu giữ, song chỉ là bản sao chụp, đen trắng, không rõ nét, nay chúng tôi phải tìm cách tiếp cận với hồ sơ gốc để scan. Qui định của cơ quan lưu trữ Nga là mỗi người mỗi ngày chỉ được đọc 5 đơn vị hồ sơ, 1.000 trang cũng tính là một đơn vị mà 1 trang cũng tính là một đơn vị, mà đặt tài liệu vào thứ hai thì thứ tư mới có để đọc”.
Trong số tài liệu mang về, chị Lai thích nhất bức ảnh Bác Hồ vào năm 1933, khi từ Trung Quốc quay lại Nga, với áo dài, khăn, giày, kính như một phú thương Trung Hoa (ảnh). Chị Lai kể: “Bảo tàng của chúng tôi có trưng bày cả bộ quần áo ấy, cả khăn, mũ kính ấy, nhưng chưa có một tài liệu nào, hình ảnh nào cho thấy Bác đã mặc chúng như thế nào. Khi nhìn thấy bức ảnh ấy lần đầu trong lưu trữ Nga, tôi đã nghẹn ngào vì sung sướng. Hay là tấm thẻ Bác chụp để đi dự Đại hội lần 7 của Quốc tế cộng sản năm 1935, với bốn thứ tiếng Anh, Nga, Pháp và Đức, Bác đã gầy và già đi bao nhiêu so với tấm ảnh trong thẻ dự đại hội 5 Quốc tế cộng sản vào năm 1924. Rồi tấm thẻ đảng viên Đảng Cộng sản Pháp năm 1922 với tên Henri Tchen (Henri Trần). Chúng tôi từng thống kê Bác có hơn 160 tên, nhưng mỗi lần gặp một tài liệu với một tên mới của Bác, vẫn không bao giờ hết ngạc nhiên về khả năng phi thường của Người”.
Chị Lai cho biết chuyến đi Nga lần này của đoàn cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh có nhiều điều thú vị: phát hiện khá nhiều thư Bác gửi các lãnh tụ Đảng Cộng sản Liên Xô, hầu hết viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, được trợ lý của họ dịch ra tiếng Nga và được cơ quan lưu trữ Nga gìn giữ rất cẩn thận, dù chỉ là hai dòng bút tích. Cũng có những bức thư viết bằng tiếng Nga, rất tình cảm, đặc biệt khi trình bày về các vấn đề thuộc địa. “Chúng tôi cũng đã tìm thấy những bức thư Bác gửi Quốc tế cộng sản xin được quay về Đông Dương, về VN hoạt động. Có những tư liệu về Bác chúng tôi tìm thấy không phải ở “Lưu trữ cá nhân - Nguyễn Ái Quốc” trong Lưu trữ quốc gia, mà ở Lưu trữ cá nhân của Stalin. Tôi hy vọng trong thời gian tới có thể nghiên cứu, báo cáo và công bố những tư liệu này” - chị Lai cho biết.