Với người hoài cổ, nhớ Tết của ngày xưa đôi khi đơn giản chỉ là tìm cho mình kỷ niệm trong bức tranh dân gian hay mang về con giáp để trưng bày chào năm mới. Mỗi năm chọn một chủ đề tùy theo sở thích của gia chủ hoặc theo năm, năm con gì thì trưng con đó với những thông điệp ý nghĩa. Tựu trung đều mong muốn điều tốt đẹp, may mắn, hạnh phúc, đủ đầy. Những ngày này, giữa một Hà Nội nhộn nhịp và phát triển, nếu ai đó mong tìm lại chút dư vị Tết xưa trong tấp nập phố thị vẫn có thể thấy được những góc nhỏ bình yên. Thú chơi con giáp hay treo tranh dân gian thể hiện nét văn hóa tao nhã, bình dị mà tinh tế của người xưa, mà nay đã mai một nhiều. Nên càng trân trọng một số người trẻ đeo đuổi ước mơ, ý tưởng phục dựng vốn cổ không vì mục tiêu lợi nhuận, chỉ là mong muốn gìn giữ nét văn hóa cổ truyền như gìn giữ di sản. Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội là một người như thế. Với mong muốn lan tỏa tình yêu tranh Kim Hoàng (xã Vân Canh, Hoài Ðức, Hà Nội, dòng tranh dân gian nức tiếng một thời đã bị quên lãng, chị Thu Hòa và các đồng sự đã không nản lòng trên con đường đầy gian nan để từng bước hồi sinh dòng tranh đặc sắc này. Ngoài khôi phục vốn cổ, nhóm nghiên cứu mạnh dạn kết hợp các làng nghề để ứng dụng họa tiết tranh Kim Hoàng trên các chất liệu khác nhau, như tạo những viên sỏi chặn giấy có in hình chú lợn, in lịch, bao lì xì, làm lợn gốm… như món quà Xuân Kỷ Hợi 2019. Người yêu vốn cổ có thể đến tham quan, tìm hiểu về ba dòng tranh dân gian: Hàng Trống, Ðông Hồ, Kim Hoàng tại Trung tâm Thông tin di sản Phố cổ Hà Nội, 28 phố Hàng Buồm, kéo dài đến ngày 24-2.
Với những ai yêu con giáp có thể ghé Triển lãm Con giáp của tôi - Lợn sung túc, trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ trên phố Lý Thường Kiệt, để chiêm ngưỡng hàng nghìn chú lợn đủ hình dáng, kích cỡ, chất liệu, được nhà sử học Dương Trung Quốc sưu tầm từ khắp mọi nơi. Mỗi chú lợn đáng yêu đều có những câu chuyện của riêng mình. Trong bộ sưu tập khá đồ sộ ấy, có một con lợn đất nung được sơn mầu đỏ. Theo chia sẻ của ông Dương Trung Quốc, những chú lợn đất dân gian như biểu thị cho lối sống tằn tiện, dành dụm của người Việt. Hồi nhỏ còn thấy người ta làm những chiếc ống bằng tre, có khoét một khe nhỏ đủ để đút lọt đồng tiền kim loại hay đồng tiền giấy. Trẻ nhỏ tích cóp quanh năm, từ tiền mừng tuổi của năm cũ đến tiền nhịn ăn quà sáng... để đến Tết có món tiền sắm tấm áo mới hay món đồ mình ao ước. Thay ống tre bằng con lợn đất dễ gây cảm xúc được nuôi đến ngày "lợn béo" đem ngả cỗ. Con lợn đất mỗi vùng có hình thù, kích cỡ khác nhau, nhưng phần lớn đều được sơn mầu đỏ lấy hên... Thời nay, kiếm được con lợn đất không dễ.
Nhớ Tết của ngày xưa là được quây quần bên nồi bánh chưng rực lửa, là ngày 30 Tết, cả nhà rộn ràng dọn dẹp, bài trí, bếp núc từ sáng sớm tới đêm khuya, chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên, chờ đón giao thừa. Tiếc là con trẻ ngày nay ít được trải nghiệm cảm giác Tết sum vầy đúng nghĩa.