Tháp Mường Luân – toà tháp cổ quý giá cần được quan tâm hơn nữa

Tháp có mặt cắt hình vuông, thượng thu hạ thách; bệ tháp mỗi chiều rộng 8m, cao 0,6m. Thân tháp cao 15,5m, chia làm bốn tầng; xung quanh đắp nổi các hoạ tiết cách điệu gồm chim bay, rồng cuốn, quả trám, cánh sen, lưỡi mác, mặt trời và lắp các gương con...

Tương truyền, vào năm 1569, triều đình Miến Điện đem quân tấn công nước Lào, một số người dân vùng Thượng Lào đã lánh nạn sang các tỉnh biên giới của Việt Nam, trong đó có Điện Biên. Năm 1594 chiến tranh Miến - Lào kết thúc, nhưng một bộ phận người Lào đã định cư lại Điện Biên, trở thành những công dân người Việt gốc Lào.

Thời gian này (1569-1594, tức Phật lịch 2113-2138), được sự giúp đỡ của những cư dân bản địa, bà con người Lào đã cùng nhau dồn công góp của xây  tháp Mường Luân. Theo truyền thuyết, vùng đất Mường Luân có một trái núi mang dáng dấp một người đang ngồi thiền, "hua táng Keo, eo táng Lao" (có nghĩa: Đầu quay về Việt, lưng quay sang Lào). Truyền thuyết này nói lên tình đoàn kết Việt - Lào, đùm bọc nhau trong cơn binh lửa loạn ly.

Qua hơn bốn thế kỷ chịu sự tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt miền rừng, tháp Mường Luân đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ ngọn tháp nghiêng về phía đông bắc, dưới chân tháp nhiều chỗ bị xói lở, làm lộ ra những vết đứt gẫy bệ móng.

Đặc biệt, phải kể đến sự phá hoại bởi chính con người. Trước hết, cách đây hơn hai thế kỷ, sau khi chiếm được vùng đất này, giặc Cờ Vàng đã đập vỡ đỉnh tháp vì chúng cho rằng trên đó giấu các báu vật và kim loại quý.

Các cụ già trong vùng kể: Cách đây chừng 50 năm, bên phải toà tháp còn có một ngôi chùa xá lị, tường gạch xung quanh, bên trong cột gỗ chồng rường, mái lợp ngói đất hình vảy cá. Trong chùa có năm pho tượng, pho lớn nhất cao gần 1m, toạ ở chính tâm; bốn pho nhỏ ngồi bốn hướng  đông - tây - nam - bắc, tất cả đều bằng đồng đen.

Ông Nguyễn Trung Sỹ - Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - cho biết: Khoảng năm 1971-1975, ông Sỹ - lúc ấy là cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Điện Biên - đã vài lần đến khảo sát lập hồ sơ đề nghị xếp hạng cho tháp Mường Luân. Tự tay ông tắm cho các pho tượng và phát hiện "bên trong mỗi pho tượng có hàng vốc tiền bạc trắng, nhân dân trong vùng không ai dám lấy vì cho đó là đồ thờ tự linh thiêng".

Nhưng nay thì ngôi chùa chỉ còn trơ lại cái nền gạch nham nhở và hai mảng tường đổ nát rêu phong. Theo ông Sỹ, các pho tượng bị mất vào khoảng năm 1980.

Ngày 9-2-1981, tức là lúc mà công trình ở vào tình trạng "Mường Luân còn một chút này", Bộ Văn hóa-Thông tin có Quyết định số 10/QĐ-VH-TT, xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp I cho tháp Mường Luân. Và, 24 năm sau, ngày 27-10-2004, đoàn cán bộ của Sở Văn hóa-Thông tin Điện Biên do Phó Giám đốc Lương Phượng Các dẫn đầu, đã tới khảo sát để lập dự án trùng tu di tích tháp Mường Luân.

Đến tháng 9-2005, dự án đã được phê duyệt với kinh phí 300 triệu đồng, từ nguồn vốn chống xuống cấp của Bộ Văn hóa-Thông tin. Trong "Năm du lịch Điện Biên 2004", tháp Mường Luân được ban tổ chức xác định là một trong số những "điểm đến" của du khách. Nhưng thật tiếc là từ đó đến nay chẳng có du khách nào đến đây.

Lý do? Thưa, vì đoạn đường từ TP Điện Biên đến tháp Mường Luân gần 100km, trong đó một nửa là đường liên xã gập ghềnh sỏi đá, đèo dốc trập trùng. Công tác quảng bá du lịch phải làm tốt lắm và di tích Mường Luân phải được bảo tồn tốt lắm mới đủ sức "kéo" du khách lên nơi thâm sơn cùng cốc, bất chấp đường xa dặm thẳm và những ẩn họa dọc con đường này.