Di tích Làng Cả trong vùng kinh đô Văn Lang xưa

Di tích Làng Cả trong vùng kinh đô Văn Lang xưa

Di tích Làng Cả được giới khảo cổ học biết tới từ năm 1959 khi bắt đầu xây dựng khu công nghiệp Việt Trì. Ðến năm 1976, trong quá trình xây dựng Nhà máy mì chính Việt Trì đã xuất lộ khu mộ táng trên diện tích rộng, buộc Viện Khảo cổ học Việt Nam và Sở Văn hóa - Thông tin Phú Thọ (Vĩnh Phú trước đây) phải tiến hành khai quật.

Từ đó đến nay qua ba lần khai quật: 1976-1977-2005 cho thấy: Làng Cả là khu di tích thuộc giai đoạn văn hóa Ðông Sơn lớn nhất hiện được biết đến. Chiều dài Làng Cả khoảng hơn 1.000 m, rộng gần 300 m. Với 336 mộ tầng, trong đó có 328 mộ văn hóa Ðông Sơn và nhiều dấu tích cư trú của con người thời đó được phát hiện. Mộ phần lớn được chôn cất theo hướng tây bắc và đông bắc.

Trong một số huyệt mộ tìm thấy các đinh đồng hình chữ U - đó là chứng tích của việc dùng đinh lắp ván quan tài trước khi chôn.

Ðồ tùy táng phát hiện được tương đối phong phú về số lượng cũng như ngoại hình. Hiện vật chủ yếu là đồ đồng, đồ đá và đồ gốm. Công cụ đồng gồm: rìu, thuổng; vũ khí: giáo, dao găm; đồ đựng: âu, thạp; nhạc: chuông, trống đồng minh khí; đồ dùng sinh hoạt: dùi, quả cân... Các hiện vật đá gồm: khuyên tai, hạt chuỗi, khuy áo, khuôn đúc rìu. Các hiện vật gồm có: khuôn đúc rìu, dao găm, giáo, chuông và nồi rót đồng, bát...

Phân tích bộ sưu tập hiện vật được phát hiện tại di chỉ khảo cổ học Làng Cả, Giáo sư Hoàng Xuân Chinh, Viện Khảo cổ Việt Nam, nhận định: "Làng Cả trước khi được sử dụng làm mộ địa đã là một khu cư trú của cư dân Ðông Sơn... Làng Cả là di tích quý nhất của văn hóa Ðông Sơn, có thể sánh ngang với chính di tích Ðông Sơn và gần đó là di tích Thiệu Dương bên bờ sông Mã - Thanh Hóa" (Kinh đô Văn Lang, trang 54, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Vĩnh Phú xuất bản 1996).

Tiến sĩ Nguyễn Ðức Giảng lại cho rằng: "Khu vực Làng Cả là một trong những trung tâm quần cư lớn nhất của thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc ta" (Kinh đô Văn Lang, trang 69, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Vĩnh Phú xuất bản 1996). Gần đây, sau cuộc khai quật lần thứ 3 cuối năm 2005, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học Việt Nam, nhận định: "...

Ðây không chỉ là một khu mộ lớn nhất thời Hùng Vương mà còn là khu mộ của những thời đại sau này. Chứng tỏ một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa sầm uất và có tính liên tục: Thời Hùng Vương - thời Bắc thuộc - thời phong kiến tự chủ. Có thể truyền thuyết, thư tịch từng đề cập đến một kinh đô của Nhà nước sơ khai thời Hùng Vương ở vùng ngã ba sông, hàm chứa một phần sự thật lịch sử, trong đó di tích Làng Cả trở thành di tích nổi bật để nghiên cứu thời kỳ này" (Báo cáo sơ bộ cuộc khai quật địa điểm khảo cổ học Làng Cả năm 2005, trang 4).

Từ kết quả cuộc khai quật và nhận định của nhiều nhà khoa học, có thể thấy rõ: Làng Cả là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng nhất thời Hùng Vương. Từ đây thu nhận những tinh hoa văn hóa và tỏa sáng văn hóa ra chung quanh và cả những nơi khác xa hơn.

Niên đại của khu mộ Làng Cả được các nhà khoa học xác định kéo dài khoảng từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 2 trước Công nguyên (TCN). Còn niên đại của các di chỉ có sớm hơn, có thể vào khoảng thế kỷ 5 đến thế kỷ 4 TCN. Như vậy Làng Cả là di tích của người Việt cổ sống trong khoảng thế kỷ 5 đến thế kỷ 2 TCN, tương đương với thời đại các Vua Hùng dựng nước Văn Lang.

Truyền thuyết, thư tịch và phong tục tập quán truyền thống của nhân dân Phú Thọ được nhiều nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội quan tâm. Ðặc biệt người Việt Nam bao đời nay luôn hướng về Phú Thọ, hướng về Ðền Hùng cội nguồn phát tích của dân tộc.

Cuối thế kỷ 15, Sử thần Ngô Sĩ Liên đã chép trong Ðại Việt sử ký toàn thư: "Con Lạc Long Quân, đóng đô ở Phong Châu nay là huyện Bạch Hạc" (Ngô Sĩ Liên - Ðại Việt sử ký toàn thư, trang 133, quyển 1 - Hà Nội - 1998). Sách Ðại Nam nhất thống chí của quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng: "Ở sau chùa Hoa Long, thôn Việt Trì, huyện Bạch Hạc có một gò đất tương truyền đất đấy là thành nền cũ...".

Sử ký lại chép: "Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu và cho rằng huyện Bạch Hạc. Cứ như thế thì chỗ này ngỡ là nền cung điện cũ của Hùng Vương, mà tục truyền lâm là kinh thành của Kinh Dương Vương" (Quốc sử quán triều Nguyễn, Ðại Nam nhất thống chí, Bản dịch của NXB KH - XH Hà Nội, 1971).

Khu di chỉ khảo cổ học Làng Cả là một di sản văn hóa có vai trò quan trọng của quốc gia. Ðây là khu di tích khảo cổ học thuộc giai đoạn văn hóa Ðông Sơn lớn nhất ở tỉnh Phú Thọ, có giá trị khoa học đặc biệt giúp nghiên cứu về thời đại Hùng Vương và Nhà nước Văn Lang. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Văn hóa - Thông tin đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thông tin Phú Thọ lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát triển Khu di tích khảo cổ học Làng Cả.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ học Làng Cả không chỉ phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa vùng Ðất Tổ mà còn tạo dựng môi trường để phát triển du lịch, xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trong tương lai... Trong dịp lễ hội Ðền Hùng sắp tới Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia và công bố quy hoạch Khu di tích khảo cổ Làng Cả sẽ được tổ chức; góp phần khẳng định Làng Cả là một trong những dấu tích lịch sử thời đại Hùng Vương nằm trong khu vực tục truyền là kinh đô của nước Văn Lang.