Di sản hát Kiều nơi tả ngạn sông Gianh

Hát Kiều là một trong các loại hình nghệ thuật dân gian được hình thành từ việc thể hiện kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Song nghệ thuật này có đặc trưng riêng là thể hiện tính độc đáo, giàu sức sáng tạo, gắn bó với đời sống tinh thần của người dân vùng tả ngạn sông Gianh, được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện di sản này đang tiếp tục được tỉnh Quảng Bình gìn giữ, trao truyền, lan tỏa và phát huy, làm đẹp thêm cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ nhân ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trình diễn nghệ thuật hát Kiều.
Các nghệ nhân ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trình diễn nghệ thuật hát Kiều.

Không biết chính xác mốc thời gian hình thành nghệ thuật hát Kiều từ bao giờ, nhưng di sản này đã tồn tại như một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều thế hệ người dân vùng tả ngạn sông Gianh - dòng sông gắn liền với những sự kiện lịch sử bi hùng của dân tộc, nơi trực tiếp chứng kiến giai đoạn lịch sử mấy trăm năm chia cắt Đàng Trong-Đàng Ngoài.

Ở đó, quá trình tổ chức hát Kiều đã hình thành nên các lớp diễn viên quần chúng, là những người nắm giữ những hồn cốt tinh túy nhất của nghệ thuật dân gian vừa có tính học thuật vừa mang tính quần chúng, gắn bó, tác động sâu sắc tới đời sống văn hóa tinh thần của người dân nhiều địa phương khác ở Quảng Bình.

Về xã Quảng Kim (huyện Quảng Trạch), nơi được xem là cái nôi hát Kiều ở Quảng Bình với lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm, chúng tôi cảm nhận được sức sống của di sản hát Kiều trên mảnh đất này.

Di sản hát Kiều nơi tả ngạn sông Gianh ảnh 1

Một tiết học hát Kiều của học sinh Trường tiểu học và trung học cơ sở Quảng Kim dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.

Những bậc cao niên trong xã cho biết, khoảng đầu những năm 1930 đã có hát Kiều ở địa phương và từng có 5 đoàn hát Kiều của 5 thế hệ kế tục nhau ở vùng đất dưới chân dãy Hoành Sơn này. Họ đi nhiều nơi trong Quảng Trạch, lên tận huyện miền rừng Tuyên Hóa và còn vượt dãy Hoành Sơn ngược ra phía bắc sang huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), thậm chí ra tận đất Tiên Điền-quê hương của cụ Nguyễn Du - để biểu diễn.

Theo ông Đặng Văn Đôn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Kiều Quảng Kim, hiện ở địa phương còn truyền giữ được hơn 32 làn điệu hát Kiều. Ngoài những điệu hát quen thuộc như nói lối, hát xướng, ngâm thơ,... thì hát Kiều ở Quảng Kim còn có thêm điệu “la chớ”, điệu “dạo gót vườn đào” mà theo ông Đôn thì đây là các điệu độc đáo, chỉ riêng Quảng Kim mới có.

Hiện nay, mỗi tháng Câu lạc bộ hát Kiều Quảng Kim sinh hoạt định kỳ hai lần để tập hát điệu mới, tích hát mới và biểu diễn phục vụ người dân trong xã cũng như tham gia các hội diễn văn nghệ quần chúng các cấp trong tỉnh.

Di sản hát Kiều nơi tả ngạn sông Gianh ảnh 2

Các học sinh Trường tiểu học và trung học sơ sở Quảng Kim thể hiện một làn điệu chính trong hát Kiều.

Nghiên cứu về loại hình nghệ thuật dân gian này, Tiến sĩ Nguyễn Tri Nguyên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa-nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nhận xét: “Hát Kiều ở Quảng Kim có nhiều nét độc đáo bản địa, khác với hát Kiều của vùng đất khác. Đây là một kho tàng âm nhạc dân gian quý giá cần được bảo tồn và phát triển”...

Ngược dòng sông Gianh lên phía thượng nguồn, chúng tôi đến xã Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa) để được thưởng thức hát Kiều nơi miền rừng xưa kia từng là xứ heo hút. Theo những người cao tuổi trong Câu lạc bộ Kiều cổ thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa, hát Kiều xuất hiện ở đây khoảng đầu thế kỷ 20. Người có công sưu tầm, nghiên cứu và dàn dựng hát Kiều ở vùng đất Lâm Lang xưa là cụ Cao Điền, rồi từ đó truyền lại cho các thế hệ sau này.

Là người say mê hát Kiều từ nhỏ, cô giáo Trương Thị Phương luôn nung nấu ý định khôi phục lại đội hát Kiều của làng. Dù bận rộn với công việc dạy học nhưng cô Phương vẫn dành nhiều công sức để nghiên cứu, sưu tầm lại, biên soạn kịch bản để rồi khi nghỉ hưu, cô đã dành hết thời gian cho việc tập luyện, vận động thành lập Câu lạc bộ Kiều cổ Lâm Lang. Cô Phương cho biết, Câu lạc bộ Kiều cổ Lâm Lang hiện có 25 thành viên, trong đó thành viên lớn tuổi nhất năm nay đã ngoài 80, người trẻ nhất mới chưa đến 12. Những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, bận rộn mưu sinh, nhưng đêm đến mọi người tề tựu để luyện tập say mê, hóa thân vào những vai diễn một cách hoàn hảo. Hiện tại, Câu lạc bộ Kiều cổ Lâm Lang biểu diễn được 15 cảnh với 21 vai diễn phỏng theo từng phần trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình Mai Xuân Thành cho biết, từ kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, hàng trăm năm trước ở Quảng Bình đã hình thành nhiều loại hình nghệ thuật như ngâm Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghệ thuật hát Kiều luôn thể hiện tính độc đáo và giàu sức sáng tạo hơn cả. Hát Kiều là loại hình sân khấu được chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều, bao gồm hát, diễn xuất và làm trò; trong đó lời ca được pha trộn giữa các làn điệu như ca Huế, tuồng, chèo, ngâm Kiều, lẩy Kiều kết hợp với dân ca Nghệ Tĩnh, ca trù...

Ngoài các nhân vật chính, có thêm một số vai diễn mà trong nguyên tác không có như nhân vật mang tính dẫn chuyện, vai thằng bán tơ, vai lính xá, vai hề, vai đồng con, vai quan xử kiện... nhằm tăng thêm sự phong phú, độc đáo cho vở diễn. Không chỉ hát, mà các diễn viên đóng vai các nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều đều hóa trang thành các nhân vật. Trong đó, từng nhân vật thể hiện hình dáng, sắc thái tình cảm, lời nói riêng của mình. Không gian và thời gian của hát Kiều dùng lối ước lệ, vũ đạo để ứng chỉ sự chuyển biến trong “hoạt động sống” của nhân vật.

Hát Kiều còn được gọi là “trò Kiều” bởi khi hát, người diễn viên vừa hát vừa diễn trò vui. Trong hát Kiều, thường phải tập hợp, xây dựng một đội Kiều gồm vài chục người, mỗi người đóng một vai theo các nhân vật trong Truyện Kiều, hoặc cũng có thể một người đóng nhiều vai, tùy theo khả năng diễn xuất. Trong từng trường đoạn, mỗi nhân vật sẽ ứng với làn điệu cụ thể. Người hát luôn chuyển động bằng những bước chân ngắn theo tuyến đi hình tròn hoặc qua lại giữa hai người hát; tay cầm quạt thể hiện các vũ điệu mềm dẻo, điêu luyện, đồng bộ và đẹp mắt.

Chính sự pha trộn, uyển chuyển trong lời hát và điệu múa của các làn điệu nghệ thuật dân gian khác đã tạo thành nét đặc sắc của hát Kiều. Cũng từ đó tạo sự gần gũi cả về cách thức thể hiện lẫn ca từ để nhiều thành phần, đối tượng có thể tiếp cận và tham gia vào nghệ thuật hát Kiều. Nói cách khác, hát Kiều là một loại hình nghệ thuật dân gian khá đặc biệt, gần gũi với nghệ thuật chèo về hình thái biểu diễn và phần âm nhạc, nhưng về ca từ lại chủ yếu là những trích đoạn của Truyện Kiều để trình diễn.

Điều đáng mừng là giờ đây, nhiều địa phương ở Quảng Bình đã mở rộng, đưa không gian hát Kiều vào các trường học và trao truyền di sản nghệ thuật hát Kiều cho lớp trẻ. Thầy Lê Phúc Luận, Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Quảng Kim cho biết: “Việc đưa hát Kiều vào trường học nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của quê hương. Nhà trường mời nghệ nhân Đặng Văn Đôn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Kiều Quảng Kim trực tiếp đến trao truyền và giảng dạy cho học sinh. Điều này không chỉ lan tỏa giá trị văn hóa của địa phương mà còn góp phần giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước cho các em”.

Thầy Trần Nam Giang, giáo viên âm nhạc, Trường tiểu học và trung học cơ sở Quảng Kim chia sẻ thêm, để những làn điệu hát Kiều được thể hiện một cách tươi mới, thu hút lớp trẻ, Câu lạc bộ hát Kiều của trường được thành lập và hoạt động khá nền nếp, tạo được sức lan tỏa trong học sinh và cả cộng đồng. Ngoài việc đưa hát Kiều vào môn học giáo dục địa phương, các giờ học ngoại khóa, Câu lạc bộ hát Kiều của trường đã mời các nghệ nhân về trao truyền cho các em; tiến hành sưu tầm, chỉnh lý và ghi âm được 15 bài hát dựa theo 5 làn điệu chính trong hát Kiều. Việc làm này đã giúp các em chọn lọc những lời thoại hợp lý, tạo cho giới trẻ sự hứng thú, lôi cuốn với hát Kiều.

Mới đây, bằng tất cả tình yêu và niềm tự hào về làn điệu nghệ thuật dân gian của quê hương, dưới sự hướng dẫn của các thầy giáo và nghệ nhân, nhóm học sinh Tạ Ánh Tuyết và Giả Thị Thảo Vy (Trường tiểu học và trung học cơ sở Quảng Kim) đã hoàn thành dự án “Đưa nghệ thuật dân gian hát Kiều Quảng Kim vào trường học” và tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học tỉnh Quảng Bình, năm học 2023-2024. Dự án đã xuất sắc giành một trong bốn giải nhất của cuộc thi.

Chứng kiến một tiết học, giai điệu mới của nghệ thuật hát Kiều đã được thầy Trần Nam Giang xướng lên để các em học sinh say sưa thể hiện, chúng tôi thật sự bị cuốn hút. So với hát Kiều cổ truyền thống của các diễn viên lớn tuổi, thay vì sử dụng các loại đạo cụ dân tộc như trống, gõ phách... thì hát Kiều của các em học sinh được thể hiện bằng giọng ca trong trẻo, trẻ trung của các em trên nền nhạc du dương, hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên lời và giai điệu cổ, cho thấy sức sống và mạch nguồn dân ca tuôn chảy, lan tỏa trong giới trẻ.