Đến Hội làng Chuông xem đấu cờ người, thổi cơm thi

NDO -

NDĐT – Làng Chuông là tên gọi dân gian, đã có từ nghìn năm của xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Là một làng lớn trong vùng, Làng Chuông không chỉ nổi tiếng về nghề làm nón truyền thống, mà còn là nơi diễn ra hội chợ lớn nhất của tỉnh Hà Đông cũ.

Các cô gái trong phần thi nấu cơm tại đình làng.
Các cô gái trong phần thi nấu cơm tại đình làng.

Đã từ lâu, Làng Chuông nổi tiếng với các câu ca dao:

“Mồng chín ta chẳng đi đâu

Ở nhà têm trầu mồng mười chợ Chuông”

hay:

“Mồng mười đi chợ Chuông chơi

Xem đánh cờ người, xem thổi cơm thi”

Chỉ qua những câu ca dao mộc mạc, đậm chất thôn dã nơi làng quê Việt Nam xưa, những điều độc đáo chỉ có ở “chợ Chuông” đã được phản ánh sắc nét, rõ ràng. Không chỉ là nơi trao đổi hàng hoá, hội chợ Làng Chuông còn nổi tiếng với hai trò chơi dân gian là cờ người và thi thổi cơm.

Những ván cờ người ở hội chợ Làng Chuông được tổ chức trước cửa đình, ngay trên khu đất họp chợ. Cờ người là trò chơi dân gian, mang đậm tính chất trí tuệ, với 16 “quân cờ” là nam và 16 “quân” còn lại là nữ. Theo tập tục, hai người đóng vai tướng ông và tướng bà được ăn mặc lộng lẫy, sang trọng, đồng thời phải là những người có tướng mạo đẹp đẽ, được nhiều người yêu trọng.

Trong khi đó, thi nấu cơm là một trò chơi thể hiện khả năng nấu nướng. Các cô gái tham gia sẽ thi đấu trong một vòng tròn vôi, lấy lửa từ rơm, mía để nhóm bếp. Tục truyền, ngoài việc thổi cơm, các cô gái này còn phải đồng thời “trông” một đứa trẻ dưới một tuổi không phải con ruột sao cho không khóc và “trông” một con cóc sao cho không nhảy ra ngoài vạch vôi, trong khi thi không được nói cười.

Tuy nhiên, sau nhiều năm, trò chơi dân gian này tại hội chợ Làng Chuông đã được giản lược. Các cô gái chỉ cần tập trung vào thổi một niêu cơm thật ngon để ban giám khảo và bà con trong làng thưởng thức, chấm điểm. Những người thắng cuộc sẽ được tôn vinh về sự nhanh nhẹn, tháo vát, đảm đang và được các vị chức sắc trong làng ban thưởng.

Ngôi đình nơi các trò chơi dân gian này diễn ra thờ người anh hùng dân tộc Phùng Hưng, hay còn gọi là Bố Cái Đại Vương. Lịch sử có ghi chép, thế kỷ VII, Phùng Hưng chiêu mộ binh sĩ, dẫn quân đến Triều Khúc và đánh đuổi quân nhà Đường, đập tan ách thống trị ngoại bang, mang lại ấm no cho đất nước. Sau này, nhân dân trong làng lập đền thờ và tôn ông lên làm thành hoàng làng, cứ vào dịp mùng mười tháng ba âm lịch lại dâng hương hoa, cống phẩm làm lễ tế.

Đến Hội làng Chuông xem đấu cờ người, thổi cơm thi ảnh 1

Các đoàn rước kiệu từ đường lớn vào khu vực đình làng trung tâm.

Đến Hội làng Chuông xem đấu cờ người, thổi cơm thi ảnh 2

Tập trung tại sân đình, chuẩn bị làm lễ tế.

Đến Hội làng Chuông xem đấu cờ người, thổi cơm thi ảnh 3

Màn trống hội bắt đầu buổi lễ.

Đến Hội làng Chuông xem đấu cờ người, thổi cơm thi ảnh 4

Phía bên ngoài sân chợ, người dân tập trung rất đông từ sáng sớm.

Đến Hội làng Chuông xem đấu cờ người, thổi cơm thi ảnh 5

Các kỳ thủ đang thi đấu giao hữu trước khi chính thức tranh tài.

Đến Hội làng Chuông xem đấu cờ người, thổi cơm thi ảnh 6

Các "quân cờ" nam giới chuẩn bị vào trận đấu.

Đến Hội làng Chuông xem đấu cờ người, thổi cơm thi ảnh 7

Các "quân cờ" nữ trong sắc áo vàng.

Đến Hội làng Chuông xem đấu cờ người, thổi cơm thi ảnh 8

Trò chơi dân gian thi thổi cơm.

Đến Hội làng Chuông xem đấu cờ người, thổi cơm thi ảnh 9

"Củi" để nấu cơm là gỗ mía.

Đến Hội làng Chuông xem đấu cờ người, thổi cơm thi ảnh 10

Các trọng tài chuẩn bị chấm điểm.

Đến Hội làng Chuông xem đấu cờ người, thổi cơm thi ảnh 11

Chiếc chuông làm nên cái tên của ngôi làng cổ.