Đề xuất xây đường băng số 2 sân bay Long Thành và mở rộng cao tốc kết nối với TP Hồ Chí Minh

NDO - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị chủ đầu tư dự án thành phần 3, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (gọi tắt là sân bay Long Thành) giai đoạn 1 cho biết, đang nghiên cứu để đề xuất xây dựng thêm đường cất, hạ cánh số 2. Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm thực hiện dự án mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành để đáp ứng khai thác hiệu quả khi sân bay Long Thành đi vào khai thác.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công hạng mục nhà ga hành khách sân bay Long Thành.
Thi công hạng mục nhà ga hành khách sân bay Long Thành.

Đề xuất này được lãnh đạo ACV đưa ra tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia cách đây ít ngày tại Đồng Nai.

Xây thêm đường cất, hạ cánh

Cụ thể, Tổng Giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt cho biết, đến thời điểm hiện tại, các gói thầu dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 cơ bản đáp ứng tiến độ.

Trong đó, gói thầu 4.6-thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác, các nhà thầu đã huy động hơn 900 nhân sự, máy móc để phục vụ thi công.

Khối lượng đào đất đạt hơn 883 nghìn m3, đắp đất được hơn 690 nghìn m3. Ngoài ra, còn thi công cấp phối đá dăm được 8,68%, thi công bê-tông xi-măng đạt 2,53% khối lượng.

Đối với tiến độ công trình đường cất, hạ cánh số 1, sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4/2025, rút ngắn khoảng 3 tháng so với dự kiến ban đầu.

Đề xuất xây đường băng số 2 sân bay Long Thành và mở rộng cao tốc kết nối với TP Hồ Chí Minh ảnh 1

Tổng Giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt đề xuất xây thêm đường cất, hạ cánh số 2 sân bay Long Thành.

Cùng với, đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục đường cất, hạ cánh số 1, ACV đang nghiên cứu, đề xuất để đầu tư xây dựng thêm đường cất, hạ cánh số 2 của sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Đối với nguồn vốn xây dựng đường cất, hạ cánh số 2, Tổng Giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt cho rằng, qua rà soát hơn một nửa số gói thầu của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã thực hiện đấu thầu cho thấy, so với dự toán ban đầu, chủ đầu tư đang tiết kiệm khoảng 4.000 tỷ đồng. Do đó, ACV đang rà soát, tính toán để đề xuất phương án phù hợp xây dựng đường cất, hạ cánh số 2.

Theo ACV, bên cạnh hạng mục đường cất, hạ cánh dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4/2025, hệ thống đường lăn, sân đỗ thuộc gói thầu 4.6 dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 6/2025.

Đề xuất xây đường băng số 2 sân bay Long Thành và mở rộng cao tốc kết nối với TP Hồ Chí Minh ảnh 2

Đường cất, hạ cánh số 1 sân bay Long Thành đang được tăng tốc tiến độ thi công.

Đầu năm 2024, khi thông tin về kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án thành phần 3 thuộc dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, Kiểm toán Nhà nước đã khuyến nghị về việc đầu tư xây dựng đường cất, hạ cánh số 2 sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 chưa thuyết minh rõ về việc cần sớm đầu tư đường cất, hạ cánh số 2 để bảo đảm năng lực khai thác liên tục của cảng hàng không trong trường hợp đường cất, hạ cánh số 1 gặp sự cố, phải đóng cửa.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, triển khai thực hiện dự án, đơn vị tư vấn và Cục Hàng không Việt Nam đã có kiến nghị về việc sớm đầu tư đường cất, hạ cánh số 2.

Do đó, để bảo đảm hoạt động liên tục của sân bay Long Thành trong trường hợp 1 đường cất, hạ cánh xảy ra sự cố, Kiểm toán Nhà nước khuyến nghị chủ đầu tư nghiên cứu sớm báo cáo cấp thẩm quyền về việc triển khai đầu tư đường cất, hạ cánh số 2.

Mở rộng cao tốc để kết nối sân bay

Hiện nay, trên đại công trường dự án sân bay Long Thành có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế với hơn 2.000 máy móc đang ngày đêm tăng tốc thi công các gói thầu.

Trong đó, riêng gói thầu 5/10 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách có 2.200 người và 493 thiết bị thi công ngày đêm. Gói thầu này được xem là trái tim của sân bay Long Thành 1 sẽ thi công trong vòng 39 tháng và hoàn thành vào đầu năm 2026.

Đến nay, ở gói thầu này đã đào đất được hơn 323 nghìn3, đạt 95%; cắt cọc bê-tông đạt 85%; thi công móng cốt thép được 941 móng đạt 86%; thi công sàn tầng hầm được hơn 24 nghìn m2; thi công cốt thép tầng 1 đạt gần 20% và bê-tông cột tầng đạt 14%.

Đề xuất xây đường băng số 2 sân bay Long Thành và mở rộng cao tốc kết nối với TP Hồ Chí Minh ảnh 3

Thi công trên công trường gói thầu xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành.

Để bảo đảm tiến độ các gói thầu, ACV kiến nghị tỉnh Đồng Nai bàn giao phần diện tích còn lại 17ha mặt bằng của 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành cho đơn vị thi công.

ACV kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp để khớp nối tiến độ thi công cụ thể của các hạng mục dự án thành phần 1, 2, 4 khi đưa sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư của toàn bộ dự án.

Theo ACV, sân bay Long Thành khi hoàn thành với lưu lượng 80% hành khách quốc tế đi và đến. Trong số này, đa phần có nhu cầu đi đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Vì vậy, việc mở rộng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành là một trong yếu tố quan trọng để sân bay Long Thành đưa vào khai thác, hoạt động hiệu quả. ACV đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm chỉ đạo giao các đơn vị liên quan triển khai dự án mở rộng đường cao tốc kết nối sân bay Long Thành với Thành phố Hồ Chí Minh để bảo đảm hiệu quả dự án khi đưa vào khai thác.

Đề xuất xây đường băng số 2 sân bay Long Thành và mở rộng cao tốc kết nối với TP Hồ Chí Minh ảnh 4

ACV đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư dự án mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh -Long Thành bảo đảm hiệu quả khi sân bay đưa vào khai thác.

Dự án đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Sân bay được xây dựng đạt cấp 4F, là cảng hàng không quốc tế quan trọng của nước ta, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực. Dự án có công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa năm.

Tổng mức đầu tư khái toán toàn bộ dự án là khoảng 16,06 tỷ USD, trong đó giai đoạn là 5,45 tỷ USD. Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách, vốn hỗ trợ phát triển (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.