Đề xuất tịch thu phương tiện chở quá tải để răn đe vi phạm

NDO - Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong 6 tháng vừa qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra gần 52 nghìn phương tiện chở hàng, phát hiện hơn 9.000 xe vi phạm, tước 1.434 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước gần 50 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đánh giá, tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng, nhiều xe cơi nới kích thước thành thùng cao từ 1-2m, hoán cải thùng container thành thùng xe tự đổ để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên các tuyến quốc lộ.

Khẳng định việc kiểm soát xe quá tải là cần thiết và mang lại hiệu quả cao trong vấn đề giảm tai nạn giao thông, hạn chế hư hỏng các công trình hạ tầng trong hội nghị sơ kết an toàn giao thông mới đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã đề nghị các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh lại Nghị định 100/NĐ-CP theo hướng quy định xe quá tải đến mức độ nào đó cần phải tịch thu. “Trường hợp phương tiện quá tải 10-20% sẽ xử phạt hành chính, nếu quá tải nhiều hơn thì cần tịch thu mới đủ sức răn đe”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu vấn đề.

Ngoài việc tăng nặng các biện pháp xử lý nhằm đủ sức răn đe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị lực lượng chức năng xử lý thường xuyên, liên tục, không để hết cao điểm lại tái diễn tình trạng xe chở quá tải trọng lưu thông trên đường, phá hoại kết cấu hạ tầng.

Về xử lý xe quá tải, Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Long cho hay, có nhiều xe tải loại “hổ vồ” (Howo) nguyên bản, theo tiêu chuẩn năm 2012 được phép nhập về nhưng tiêu chuẩn hiện nay không bảo đảm quy định nên rất khó khăn trong việc xử lý. Nếu yêu cầu chủ phương tiện cắt thành thùng sẽ không đăng kiểm được vì không đúng quy định, còn nếu để nguyên thì sẽ bị quá tải. Bên cạnh đó, có tình trạng các chủ xe mượn nhau thành thùng để đăng kiểm; hoặc nhiều địa phương cố tình “ngó lơ” để xe quá tải hoạt động.

“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải tạm dừng không hoạt động để chờ hết cao điểm, Bộ Công an có tiếp tục thực hiện xử lý xe quá tải hay không để tiếp tục hoạt động. Bộ Công an khẳng định không có chuyện hết cao điểm sẽ chùng xuống hoặc dừng việc xử lý mà sẽ xử lý thường xuyên, liên tục, không để hết cao điểm lại tái diễn tình trạng phương tiện chở quá tải”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện, các chế tài để xử lý vi phạm xe quá tải còn chưa đồng bộ, lực lượng trực tiếp tham gia kiểm soát tải trọng phương tiện còn mỏng, thiết bị cân kiểm tra còn thiếu, chưa kiểm soát được toàn bộ các tuyến đường có xe chở hàng quá tải lưu thông. Mặt khác, nhiều xe quá tải, cơi nới thành thùng cố tình che biển kiểm soát, chạy tốc độ cao vào ban đêm vượt qua trạm kiểm soát, gây khó khăn cho việc ghi lại hình ảnh.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Cục Đăng kiểm rà soát các xe đầu kéo kéo theo sơmi-rơmoóc, các xe cơi nới kích thước thành thùng chở hàng quá tải, đề xuất tăng nặng các biện pháp xử lý nhằm bảo đảm đủ sức răn đe.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo lực lượng công an tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm hành vi chở hàng hóa quá tải trọng. Cơ quan chức năng các địa phương sử dụng cân xách tay kiểm soát tải trọng xe chở hàng hóa tại vị trí lối ra vào các đầu mối tập kết vật liệu xây dựng, các mỏ khoáng sản, xử lý nghiêm lái xe, chủ xe và người xếp hàng lên xe có hành vi vi phạm.