Đề xuất thí điểm đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS với 10 ngành, nghề trọng điểm

NDO -

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở với 10 ngành, nghề trọng điểm. Chương trình có tính linh hoạt cao, với nhiều đầu ra, giúp người học được nhận các văn bằng tương ứng, và tham gia thị trường lao động theo mong muốn.

Đào tạo tại Trường Cao đẳng Viễn Đông, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: CDV).
Đào tạo tại Trường Cao đẳng Viễn Đông, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: CDV).

Mô hình linh hoạt, theo ba giai đoạn

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về đề án “Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở”.

Mục tiêu:

Xây dựng mô hình và tổ chức thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh sau tốt nghiệp THCS.

Góp phần thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Mục tiêu cụ thể của đề án nhằm tổ chức triển khai thí điểm mô hình đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) đối với 10 ngành, nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ.

Cụ thể, có khoảng 400 học sinh/ngành nghề, với tổng số người tham gia khoảng 4.000 người.

10 ngành, nghề phù hợp với đối tượng người học tốt nghiệp THCS. Đó là: Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), Điện công nghiệp, Điện tử Công nghiệp, Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí, Quản trị mạng máy tính; Thiết kế đồ họa; Vẽ và thiết kế trên máy tính, Hướng dẫn viên du lịch và Diễn viên múa.

Phạm vi áp dụng thí điểm trên toàn quốc, theo 3 miền: bắc, trung, nam, với thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2028.

Đối tượng của đề án là học sinh tốt nghiệp THCS vào học thí điểm trình độ cao đẳng, với các trường cao đẳng được lựa chọn tham gia thí điểm.

Chương trình đòi hỏi người học phải có kiến thức văn hóa phổ thông; có năng lực thực hiện được công việc của ngành nghề ở trình độ cao đẳng; giải quyết được các công việc có tính phức tạp của ngành, nghề đào tạo; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc.

Cấu trúc của mô hình gồm ba giai đoạn.

Giai đoạn 1 có thời gian đào tạo 2 năm, với các nội dung đào tạo chính: bao gồm phần khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (THPT) theo yêu cầu của chương trình và nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tương đương trình độ sơ cấp.

Nội dung kiến thức văn hóa THPT được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là các môn học thuộc khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp là những kiến thức, kỹ năng căn bản của ngành, nghề mà người học theo học.

Giai đoạn 2 có thời gian đào tạo 1 năm. Nội dung đào tạo chính có khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo yêu cầu của chương trình và nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tương đương trình độ trung cấp.

Nội dung kiến thức văn hóa THPT là toàn bộ khối lượng kiến thức văn hóa THPT được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết thúc giai đoạn này, người học được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Giai đoạn 3 có thời gian đào tạo 2 năm. Nội dung đào tạo chính là toàn bộ kiến thức, kỹ năng ở trình độ cao đẳng và nội dung kiến thức văn hóa THPT được bổ sung để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Kết thúc giai đoạn 3, nếu đáp ứng yêu cầu, người học được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục THPT (chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT) và được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và được xét tốt nghiệp và cấp bằng cao đẳng.

Tuyển học sinh học lực từ trung bình khá trở lên

Điều kiện tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp THCS có xếp loại học lực từ trung bình khá trở lên. Đối tượng tuyển sinh được tư vấn kỹ lưỡng trước khi nhập học. Người học được miễn học phí khi tham gia theo mô hình này.

Về tổ chức đào tạo, khối lượng kiến thức văn hóa THPT được học song song với kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp theo xu hướng giảm dần theo thời gian và được thiết kế tích hợp với nội dung nghề nghiệp, theo chuẩn đầu ra theo yêu cầu của chương trình; khối lượng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp được học song song với kiến thức văn hóa THPT theo xu hướng tăng dần theo thời gian.

Kết thúc giai đoạn 1, người học có thể tham gia thị trường lao động. Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và nội dung khối lượng kiến thức văn hóa THPT được bảo lưu nếu người học có nhu cầu học tiếp chương trình.

Kết thúc giai đoạn 2, người học có thể tham gia thị trường lao động và học tiếp để hoàn thành trình độ cao đẳng ở mô hình này hoặc liên thông lên trình độ cao đẳng ở các hình thức đào tạo khác. Nội dung khối lượng kiến thức văn hóa THPT được bảo lưu nếu người học có nhu cầu hoàn thành chương trình giáo dục THPT.

Kết thúc giai đoạn 3, người học đủ điều kiện học liên thông lên trình độ đại học tương tự như các hình thức học tập khác ở trình độ cao đẳng.

Cũng theo dự thảo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc tổ chức đào tạo thí điểm sẽ tiến hành ở một số trường đang thực hiện việc đào tạo nghề nghiệp cho học sinh tốt nghiệp THCS. Ưu tiên lựa chọn các trường đang đào tạo các ngành, nghề được lựa chọn thí điểm, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng.

Cụ thể, những điều kiện bảo đảm cho việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo như chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và một số điều kiện khác phù hợp với yêu cầu của từng ngành, nghề đào tạo.

Dự thảo cũng đề cập việc xây dựng khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học cần đạt sau khi tốt nghiệp trình độ cao đẳng (chuẩn đầu ra) cho đối tượng tốt nghiệp THCS.

Văn bản cũng nêu rõ về việc lựa chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tham gia đào tạo thí điểm theo yêu cầu của đề án. Nhà nước đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn tham gia đào tạo thí điểm theo các ngành nghề đào tạo của đề án.

Thực hiện gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để học sinh được thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Thiết lập mạng lưới gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp theo từng ngành, nghề được lựa chọn, nâng cao vai trò của các doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và hỗ trợ việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Việc công nhận kết quả mà người học đã đạt được trong quá trình học tập bằng văn bằng hoặc chứng chỉ tương ứng với từng giai đoạn học tập giúp người học hoàn thành chương trình có thể tìm việc làm và hành nghề hoặc học liên thông lên các trình độ cao hơn. Cấp bằng cao đẳng cho người học hoàn thành khóa học 5 năm đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định.

Mô hình: có tính linh hoạt cao, với nhiều đầu ra. Người học có thể ra khỏi chương trình bất cứ ở giai đoạn nào và đều được ghi nhận, đánh giá bằng những chứng chỉ, văn bằng tương ứng để có thể tham gia vào thị trường lao động.

Giai đoạn 1: Đầu ra (1): Chứng chỉ sơ cấp.

Giai đoạn 2: Đầu ra (2): Bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp và Giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Giai đoạn 3: Đầu ra (3) Bằng tốt nghiệp cao đẳng và Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục THPT hoặc bằng tốt nghiệp THPT nếu người học tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.