Chiều 19/9, tại Phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2023, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV trình bày bài tham luận với chủ đề “Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới”.
Khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu, tìm kiếm các động lực mới là vấn đề cấp bách
TS Cấn Văn Lực cho biết, kể từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Khó khăn, thách thức mới xuất hiện nhiều hơn là cơ hội, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với các nhiệm kỳ gần đây.
Thời kỳ “họa vô đơn chí” này đã khiến kinh tế-xã hội thế giới và Việt Nam bất thường hơn, bấp bênh và rủi ro hơn.
Trong bối cảnh đó, nhiều chính sách, giải pháp quyết liệt, quy mô, kể cả chưa có tiền lệ, được các cấp có thẩm quyền ban hành đi kèm việc thành lập, kiện toàn tổ chức - bộ máy chỉ đạo, thực hiện. Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận.
Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu (theo IMF). Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,6%, năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6-6,5%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,72%, cả năm dự báo tăng khoảng 5-5,5% (bình quân 3 năm đạt khoảng 5,4%, cao gấp 1,7 lần mức bình quân của thế giới là 3,2%).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên toàn thể. (Ảnh: DUY LINH) |
Theo ông Cấn Văn Lực, những kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội của nửa nhiệm kỳ vừa qua là rất đáng trân trọng; tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và tồn tại. Đó là, một số chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng chưa đạt kế hoạch như năng suất lao động và tỷ trọng công nghiệp chế biến - chế tạo trong GDP.
Các động lực tăng trưởng, nhất là đầu tư tư nhân, thu hút FDI còn nhiều thách thức, trong khi giải ngân đầu tư công, Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia có tiến bộ nhưng không đồng đều và còn chậm, tiêu dùng tăng chậm lại; công tác lập quy hoạch còn chậm…
Việc khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu và tìm kiếm các động lực mới là vấn đề vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cũng như đến năm 2025 và năm 2030.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
“Để có thể đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và của Quốc Hội đã đề ra, việc khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu và tìm kiếm các động lực mới là vấn đề vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cũng như đến năm 2025 và năm 2030”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
6 động lực tăng trưởng mới
Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, từ nay đến năm 2025 và hướng tới 2030, một số động lực chính dự báo sẽ tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh và bền vững hơn; với sự cộng hưởng của cả những động lực truyền thống và động lực mới.
Bên cạnh những động lực tăng trưởng truyền thống từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, dịch vụ, đầu tư (đầu tư công, FDI và đầu tư tư nhân trong nước), xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, tiêu dùng, TS Cấn Văn Lực đề cập một số xu thế vận động mới có thể trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung - dài hạn.
Thứ nhất, động lực từ xu hướng phát triển mạnh mẽ của kinh tế số. Với việc hoàn thiện hành lang pháp lý; khắc phục các hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực số, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, an ninh mạng và bảo mật thông tin, dữ liệu, dự báo kinh tế số Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về cả lượng và chất đến năm 2025 và 2030, góp phần tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tính hiệu quả và bền vững.
Các đại biểu dự Phiên toàn thể. (Ảnh: DUY LINH) |
Thứ hai, động lực đến từ nâng cao năng suất lao động và TFP (hay gia tăng chất lượng). Đây vừa là động lực vừa là giải pháp để kinh tế Việt Nam nâng cao hiệu quả và chất lượng trong những năm tới. Theo TS Cấn Văn Lực, năng suất lao động Việt Nam dự báo tăng khoảng 4,5-5% giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu là 6,5%) và tăng 6-6,5% giai đoạn 2026-2030 (mục tiêu là 6,8-7%). Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 40-45% giai đoạn 2021-2025 và 50-55% giai đoạn 2026-2030.
Thứ ba, động lực từ khu vực kinh tế tư nhân sẽ ngày càng đóng quan trọng cho nền kinh tế, bổ sung và làm giàu các nguồn lực mà khu vực Nhà nước không làm hoặc không làm được. Tuy nhiên, cần phải có đột phá về cơ chế, chính sách thì khu vực này mới có thể đóng góp khoảng 45% GDP đến năm 2025 và 50-55% GDP đến năm 2030.
Thứ tư, động lực từ hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế. Đây có thể đánh giá là động lực đột phá nhưng cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian nhất bởi động lực này giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh - đầu tư hấp dẫn, minh bạch. Tùy theo quy mô và chất lượng hoàn thiện thể chế, động lực này có thể đóng góp khoảng 0,05-0,27 điểm %/năm vào tăng trưởng GDP.
Thứ năm, động lực từ lợi ích thiết thực của kinh tế xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu của Việt Nam. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đặt mục tiêu đưa nền kinh tế xanh lên quy mô 300 tỷ USD trong GDP vào năm 2050 (xấp xỉ 10% GDP) trong đó, tỷ trọng đóng góp của kinh tế xanh đến năm 2025 là 1,8-2% GDP và đến năm 2030 là 3,3-3,5% GDP. Tức là, mức đóng góp của kinh tế xanh vào GDP tăng bình quân khoảng 15%/năm trong giai đoạn 2021-2050.
Thứ sáu, động lực từ quyết tâm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với nguồn vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị, thị trường và đối tác mới; từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Để phát huy, khai thác những động lực tăng trưởng mới nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bao gồm cả cơ chế thử nghiệm (sandbox).
Ngoài ra, sớm xây dựng Đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia, sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia như một số quốc gia có năng suất lao động cao đã làm. Đồng thời, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn; thúc đẩy tăng trưởng xanh; chủ động thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.