Tạo động lực tăng trưởng từ kích cầu tín dụng

Việt Nam là quốc gia có mức độ hội nhập kinh tế tương đối cao, cho nên điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh trong nước, quốc tế có nhiều biến động, chưa có tiền lệ là thách thức rất lớn. Thậm chí, có thời điểm việc này là bất khả thi, phát sinh xung đột trong quá trình thực thi chính sách.
0:00 / 0:00
0:00
Khối doanh nghiệp công nghệ đang dẫn đầu về mức tăng trưởng. Trong ảnh: Khách tham quan khu trưng bày của FPT Telecom.
Khối doanh nghiệp công nghệ đang dẫn đầu về mức tăng trưởng. Trong ảnh: Khách tham quan khu trưng bày của FPT Telecom.

"Nút thắt" cầu tín dụng thấp

Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2023 ở mức rất thấp, bất chấp các nỗ lực giảm lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, nhu cầu tín dụng của thị trường về cơ bản đến từ ba nhóm, gồm: doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa và cá nhân, hộ gia đình. Tuy nhiên, thống kê của ngành ngân hàng cho thấy, trong suốt gần 10 năm qua, động lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam đều nằm ở nhóm hai và ba. Tăng trưởng tín dụng thấp hay cao không quan trọng bằng việc tăng trưởng đến từ động lực nào và có bền vững hay không.

Xét tổng giá trị dư nợ, nợ vay của các doanh nghiệp niêm yết ước tính chỉ tăng 0,3% so cuối năm 2022. Trong sáu tháng đầu năm nay, mặc dù mức tăng trưởng tín dụng của toàn thị trường là 4,73%, nhưng với tốc độ tăng trưởng thấp của các doanh nghiệp niêm yết, khả năng cao doanh nghiệp nhỏ và vừa và cá nhân mới là nhóm đóng góp chính vào mức tăng kể trên.

Đưa ra phân tích về vấn đề này, bà Hoàng Việt Phương (Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI) nêu, trong Thông báo số 332/TP-VPCP về nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 9/8 chỉ đạt 4,3%, tương đương mức ghi nhận vào cuối tháng 7/2023 và thấp hơn nhiều so mức 4,73% vào cuối tháng 6/2023. Do vậy, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân là những mục tiêu chính mà Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong những tháng còn lại của năm.

Giai đoạn kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất vì năng lực tài chính không mạnh. Do đó, họ phải chịu áp lực về chi phí cho vay tăng nhanh và khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Khó khăn đến từ việc các tổ chức tín dụng thận trọng hơn trong công tác thẩm định khách hàng, và trong giai đoạn mà nhu cầu thị trường bị thu hẹp, rất khó để các doanh nghiệp này có thể chứng minh được kế hoạch tài chính khả thi. Hơn nữa, trong trường hợp được cấp tín dụng, mức lãi suất cho vay tăng cao cũng gây ra những khó khăn nhất định. Điều này vô hình trung khiến bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không mặn mà với việc mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn này.

Tăng trưởng tín dụng hiện nay có sự khác biệt lớn giữa các nhóm ngành. Mức tăng trưởng cao nhất lần lượt thuộc về doanh nghiệp công nghệ, bán lẻ, năng lượng và thực phẩm… Trong khi đó, công nghiệp và bất động sản là hai nhóm ngành có mức giảm nợ ròng nhiều nhất. Đối với lĩnh vực bất động sản, toàn ngành trong sáu tháng đầu năm ghi giảm mức nợ ròng hơn 5.700 tỷ đồng. Đặc điểm chung về phần vay nợ của ngành bất động sản là nguồn vốn ngắn hạn tăng mạnh để bù đắp cho phần vốn dài hạn sụt giảm, chủ yếu nhằm thanh toán cho nợ vay trái phiếu đáo hạn cũng như trả nợ trái phiếu trước hạn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang lay lắt trong quá trình trả nợ và hoạt động đầu tư vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Đáng quan ngại hơn, đó là dư nợ của nhóm doanh nghiệp ngành công nghiệp sụt giảm mạnh, do hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn trước tình hình các đơn hàng xuất khẩu sụt giảm trong sáu tháng đầu năm. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Việt Nam cuối tháng 7 ở mức 48,7 điểm, đánh dấu tháng thứ năm liên tiếp các hoạt động sản xuất, kinh doanh sụt giảm. Điều này cho thấy triển vọng kinh tế vẫn còn khó khăn trong nửa cuối năm 2023.

Hạ nhiệt lãi suất cho vay

Trái ngược với mong muốn từ cơ quan quản lý, tốc độ tăng trưởng tín dụng của thị trường hiện vẫn rất chậm, trung bình tín dụng chỉ tăng trưởng được khoảng 0,8%/tháng, là mức thấp nhất kể từ năm 2015. Và đương nhiên, nếu tiếp tục đà như hiện tại, cả năm 2023 tín dụng sẽ chỉ tăng trưởng được khoảng 10%, không những khó lòng đạt mục tiêu của ngành mà còn kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế. Một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đến từ chính sách tiền tệ, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng và cung tiền. Thế nhưng, trong sáu tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,73%, thấp nhất trong các kỳ thống kê sáu tháng đầu năm kể từ năm 2015 là vấn đề cần sớm được giải quyết.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 1/9/2023, được đánh giá là một động thái quyết liệt, mạnh mẽ và sẽ có tác động đáng kể tới hoạt động tín dụng trên thị trường hiện nay. Bởi các doanh nghiệp khi muốn thực hiện hoạt động huy động vốn tín dụng phải buộc mình trở nên minh bạch hơn. Đặc biệt, bổ sung một số nhu cầu vốn bị cấm như: không được cho khách hàng vay để gửi tiền tại tổ chức tín dụng khác; cho vay để mua cổ phần, góp vốn, nhận chuyển nhượng từ các doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UpCom; cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp tác kinh doanh để thực hiện các dự án chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh…

Động thái này của Ngân hàng Nhà nước được các chuyên gia nhìn nhận là nhằm hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lớn đứng ra vay vốn để góp vốn, đầu tư, hợp tác vào các doanh nghiệp/dự án mà chưa đạt được các điều kiện vay vốn trực tiếp từ tổ chức tín dụng, nhằm hạn chế những rủi ro trong hoạt động cấp vốn lên hệ thống tín dụng. Tuy nhiên, có thể, trong ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước đang phải đánh đổi định hướng dòng tiền thông qua những mặt thuận lợi của Thông tư 06 với những tác động không mong muốn của nó tới nền kinh tế.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 là từ 14-15%, nhưng cũng xác định điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng. Trong nửa đầu năm nay, đã có bốn lần giảm lãi suất điều hành từ 0,5-2 điểm phần trăm tương ứng cho từng loại lãi suất điều hành khác nhau, từ đó góp phần giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân từ 1-3 điểm phần trăm. Với mục tiêu xuyên suốt trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước nhất quán quan điểm quyết liệt trong kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, phối hợp chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong khi tín dụng vẫn được xem là động lực quan trọng giúp thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhiều chuyên gia tài chính hy vọng, thay vì sử dụng các biện pháp hành chính hoặc tuyên truyền thiếu hiệu quả, Thông tư 06 có thể sẽ là một trong những giải pháp kích cầu tín dụng hữu hiệu, giúp hạ nhiệt lãi suất cho vay trên thị trường thông qua sự cạnh tranh minh bạch.

Sửa ngay Thông tư 06 để tháo gỡ khó khăn về vốn

Chiều 23/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Văn bản số 756/TTg-KTTH về việc đôn đốc báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào luật hiện hành và quy định pháp luật có liên quan, thẩm quyền quy định và tình hình thực tế để tiếp thu, khẩn trương, nhanh chóng rà soát sửa đổi, bổ sung ngay các quy định tại Thông tư 06, theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các nội dung quy định gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, người dân, cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, không để có quy định không rõ ràng, cách hiểu khác nhau cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về nội dung này như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước tại Tờ trình số 120/TTr-NHNN ngày 22/8/2023. Việc này phải hoàn thành trong ngày 25/8/2023.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam:

Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, cầu tín dụng rất thấp, Hiệp hội Ngân hàng đã có công văn kêu gọi các tổ chức tín dụng hội viên tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1%/năm. Tiếp đó, tại cuộc họp sơ kết sáu tháng đầu năm 2023, Hiệp hội tiếp tục kêu gọi các tổ chức tín dụng hội viên xem xét giảm lãi suất tiền vay đối với khoản dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm. Đồng thời, xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác…

Ông Nguyễn Hữu Trung - Quyền Tổng Giám đốc Vietbank

Động thái mạnh mẽ và quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước gần đây đã tạo tiền đề, định hướng cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất, kích cầu tín dụng. Nếu không đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp lúc khó khăn này, hệ thống ngân hàng cũng khó theo. Song, điều khó nhất hiện nay là phải làm sao kích cầu tín dụng đi đôi với an toàn và hiệu quả, vì quá trình phục hồi kinh tế vẫn đi kèm với các yếu tố rủi ro mà ngân hàng phải thận trọng và có thể lường trước.

Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA)
Chúng tôi mong muốn, đề xuất Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương chủ động điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tiếp tục quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp. Cũng như, tạo điều kiện để chính sách tiền tệ có thể điều hành tín dụng, tăng giảm lãi suất ở mức hợp lý, thuận lợi cho doanh nghiệp cùng các tổ chức tín dụng cùng phát triển bền vững.