Lý giải về sự cần thiết phải điều chỉnh lương hưu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, lần gần nhất Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/7/2019 theo quy định tại Nghị định số 44/2019/NĐ-CP ngày 20/5/2019 của Chính phủ.
Trong năm 2020 và năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc điều chỉnh theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội chưa được thực hiện.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng bình quân của các năm 2019, 2020 và ước thực hiện năm 2021 lần lượt là 2,79%; 3,23% và 4%; tốc độ tăng trưởng kinh tế của các năm 2019, 2020 và ước thực hiện năm 2021 lần lượt là 7,02%; 2,91% và 6,5%.
Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng bình quân sau 3 năm 2019 - 2021 tăng 10,35%; cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5,5%/năm trong giai đoạn 2019- 2021 thì cần thiết xem xét thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Dựa trên số liệu về chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế do Tổng cục Thống kê công bố của các năm 2019, 2020 và ước thực hiện năm 2021 (chưa được tính toán điều chỉnh ở lần điều chỉnh trước) thì mức tăng chỉ số giá tiêu dùng của 3 năm là 10,35%. Nếu tính thêm một phần của tăng trưởng kinh tế thì tỷ lệ điều chỉnh vào khoảng 15%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 và Chính phủ cần ưu tiên tập trung nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống dịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mức điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng với tỷ lệ tăng thêm 11%.
Theo Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, nếu thực hiện theo phương án này, dự kiến sẽ có khoảng 868 nghìn người thuộc đối tượng điều chỉnh từ nguồn ngân sách nhà nước chi trả với kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là khoảng 4.625 tỷ đồng; và có khoảng 2,13 triệu người thuộc đối tượng điều chỉnh từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội chi trả với kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là khoảng 14.700 tỷ đồng...
Ngoài việc thực hiện điều chỉnh theo tỷ lệ chung đối với tất cả đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng, bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, việc thực hiện điều chỉnh thêm đối với những người hưởng lương hưu, trợ cấp từ trước ngày 1/01/1995 mà có mức hưởng dưới 2,5 triệu đồng/tháng được xác định là chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với những người đã có thời gian làm việc, cống hiến trong khu vực Nhà nước giai đoạn trước năm 1995 có mức hưởng thấp hơn so với mặt bằng chung.
Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh theo số tiền tuyệt đối.
Cụ thể: những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 sau khi điều chỉnh tăng thêm 11% theo mức điều chỉnh chung mà có mức hưởng thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng thì mức hưởng được điều chỉnh tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng trở xuống; và tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng.
Với phương án điều chỉnh nêu trên, dự kiến có khoảng 318 nghìn người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 thuộc đối tượng điều chỉnh với kinh phí điều chỉnh trong năm 2022 vào khoảng 573 tỷ đồng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất thời điểm thực hiện điều chỉnh từ ngày 1/1/2022, bên cạnh việc bố trí nguồn kinh phí vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, việc thực hiện thời điểm điều chỉnh trên sẽ hạn chế tình trạng chênh lệch lương hưu giữa những người về hưu trong cùng năm 2022; hạn chế tình trạng người lao động làm việc ngoài khu vực Nhà nước vừa được điều chỉnh tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, vừa được điều chỉnh lương hưu khi nghỉ hưu…