Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng

Bộ Tài chính mới đây cho biết, thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 của Chính phủ về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, trong đó giao Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền việc nghiên cứu, đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, đề xuất giảm tỷ lệ thu đối với sắc thuế quan trọng này.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Bộ Tài chính, trong 3 năm 2020-2022, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Với chức năng quản lý, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Theo đó, Nhà nước đã gia hạn các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Theo thống kê, trong năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm hơn 31,5 nghìn tỷ đồng).

Trong năm 2021, trước diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19, các giải pháp hỗ trợ đã được tiếp tục triển khai ở mức cao hơn cả về nội dung và giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145 nghìn tỷ đồng (trong đó: số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng).

Riêng năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch Covid-19, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (trong đó có quy định giảm mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hầu hết các mặt hàng đang chịu thuế suất 10% xuống còn 8%; tiếp tục tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19), đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.

Ngoài ra, trước tình hình biến động của giá xăng, dầu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết để điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022 (theo đó áp dụng mức thuế thấp nhất trong khung thuế suất do Quốc hội quy định kể từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022), qua đó góp phần ổn định giá xăng dầu trong nước, kiềm chế lạm phát trước biến động giá xăng dầu thế giới tăng cao.

Dự báo còn nhiều rủi ro, thách thức từ những biến động khó lường của tình hình thế giới có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân cũng như nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Dự kiến thực hiện các giải pháp này trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233 nghìn tỷ đồng (trong đó: Số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng). Như vậy, ngay từ cuối năm 2022, bên cạnh những điều kiện thuận lợi kế thừa từ thành tựu trong phục hồi kinh tế của năm 2022, dự báo còn nhiều rủi ro, thách thức từ những biến động khó lường của tình hình thế giới có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân cũng như nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và tài chính-ngân sách của năm 2023, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023.

Bộ đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Dự kiến thực hiện Nghị quyết này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ cũng đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo Tờ trình số 43/TTr-BTC ngày 30/3/2023 của Bộ Tài chính. Theo đó, dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là hơn 110 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.

Song song với đó là việc phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023 về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự kiến số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2022 là khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó có quy định việc điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm hàng hóa là nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất.... nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất (hiện dự thảo đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ và đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành).

Có thể thấy, trong thời gian qua và đặc biệt là năm 2022 với nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp, người dân được triển khai thực hiện với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng, đã góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua đó đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên cũng có ảnh hưởng nhất định tới việc triển khai công tác về ngân sách nhà nước.

Mặc dù kết quả thu ngân sách nhà nước của năm 2022 là tích cực, nhưng kể từ giữa năm 2022 cho đến nay đã cho thấy xu hướng giảm và tiếp tục trong những tháng đầu năm 2023.

Theo Tổng cục Thuế, mặc dù kết quả thu ngân sách nhà nước của năm 2022 là tích cực, nhưng kể từ giữa năm 2022 cho đến nay đã cho thấy xu hướng giảm và tiếp tục trong những tháng đầu năm 2023. Lũy kế thu Quý I/2023 ước đạt 411,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2022 (tuy nhiên, nếu loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022 thì số thu giảm 6% so cùng kỳ).

Số thu ngân sách nhà nước tháng 3 giảm so với tháng 2 và tháng 2 giảm so với tháng 1. Bên cạnh đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện trong Quý I bằng 26,9% dự toán, giảm 16,4% so cùng kỳ năm 2022. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo tiếp tục giảm mức thu thuế giá trị gia tăng.