Đề xuất có những chính sách hợp lý hơn với nhóm bác sĩ nội trú

NDO -

NDĐT - Sáng 8-11, Trường đại học Y Hà Nội tổ chức kỷ niệm 40 năm đào tạo bác sĩ nội trú (BSNT) bệnh viện. Đào tạo BSNT là một trong những phương thức đào tạo những chuyên gia giỏi, nhân tài trẻ của ngành y tế áp dụng cho các chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng và y học dự phòng.

Đề xuất có những chính sách hợp lý hơn với nhóm bác sĩ nội trú

Chương trình đào tạo BSNT kéo dài ba năm, phần lớn thời gian dành cho thực hành; các học viên phải thường trú trong bệnh viện, học tập nghiên cứu với nhóm hướng dẫn, kèm cặp trực tiếp của các giáo sư, bác sĩ giỏi và có nhiều kinh nghiệm. Qua đó, đào tạo ra những bác sĩ có trình độ kiến thức tốt, trình độ tay nghề chuyên môn vững vàng, đủ năng lực hành nghề độc lập, là nòng cốt cho nhân lực chất lượng cao của các bệnh viện tuyến T.Ư, các trường đại học y.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho biết hiện nay có nhiều cơ chế, chính sách đối với BSNT còn bất bập cần được tháo gỡ. Như khi ra trường, lương khởi điểm của BSNT không khác gì một người học đại học bốn năm, mặc dù thời gian học gấp ba lần trường đại học khác.

Đáng chú ý, 13 năm nay BSNT không được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là thạc sĩ, mặc dù so với đào tạo cao học, thi tuyển đầu vào BSNT khó hơn, thời gian học lâu hơn, chi phí đào tạo tốn kém hơn… Khi học tiếp lên nghiên cứu sinh thì chỉ được tính đầu vào như bằng đại học.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thời gian tới Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ có những chính sách hợp lý hơn với nhóm các BSNT như thay đổi về cách tính lương khởi điểm, thâm niên, chế độ bảo hiểm…

Đồng thời tăng cường đào tạo cả về chỉ tiêu BSNT cũng như quy trình, chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực chuyên môn cao cho ngành y tế trong công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ cho người bệnh hiện nay.

Cuộc thi BSNT đầu tiên trên thế giới được ghi nhận năm 1802 tại Paris (Pháp), được coi là khai sinh ra hệ đào tạo BSNT các bệnh viện trên thế giới. GS Hồ Đắc Di là người Việt Nam đầu tiên đỗ BSNT khi ông theo học y khoa tại Pháp (1918 - 1931). Đây là trường hợp hiếm hoi lúc bấy giờ do sự kỳ thị và cản trở của chính quyền Pháp đối với người dân ở nước thuộc địa.

Trường đại học Y Hà Nội là cơ sở đào tạo sau đại học sớm nhất trong hệ thống giáo dục đại học nói chung và trong ngành y tế nói riêng. Đây là đơn vị tiến hành đào tạo bác sĩ chuyên khoa hai được thực hiện từ năm 1972, đặt nền móng cho việc mở rộng các loại hình đào tạo sau đại học khác.

PGS,TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, khóa đào tạo BSNT đầu tiên của Trường đại học Y Hà Nội được tổ chức năm 1974 gồm 15 học viên thuộc sáu chuyên ngành: ngoại khoa, nội khoa, nhãn khoa, tai mũi họng, thần kinh, truyền nhiễm. Tính đến nay đã có 40 khóa BSNT được đào tạo với tổng cộng 1.983 học viên thuộc 35 chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng và y học dự phòng. Trong số này, hàng trăm BSNT có học hàm giáo sư, phó giáo sư; giữ các vị trí chủ chốt của ngành y tế và các khoa, bộ môn thuộc các bệnh viện… và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Nhân dịp này, Trường đại học Y Hà Nội cũng khánh thành và đưa vào sử dụng khu ký túc xá sinh viên. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 223 tỷ đồng, quy mô 15 tầng nổi và một tầng hầm, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho 2.112 học viên, sinh viên.