Đề xuất 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

NDO -

Tại kỳ họp bất thường tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Cần Thơ, áp dụng thí điểm trong 5 năm nhằm tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố thành trung tâm phát triển của vùng, mang bản sắc sông nước Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Chiều 21/12, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân Vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Bộ Chính trị đã định hướng cho phép “Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp với năng lực của thành phố và có tính tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác trong cả nước” và giao Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, ban hành.

Chính phủ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết, theo đó nội dung đề xuất 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng thí điểm, gồm các cơ chế, chính sách về: Quản lý tài chính-ngân sách nhà nước; quản lý đất đai; quản lý quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ; Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.

Đề xuất 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên làm việc. 

Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho thấy, đa số ý kiến cho rằng việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 59) về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng, mang bản sắc sông nước Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Về thẩm quyền ban hành, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội có thẩm quyền ban hành Nghị quyết để thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh. Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là đúng thẩm quyền.

Tuy nhiên, về phạm vi chính sách trong dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị làm rõ hơn một số chính sách mới đề xuất về căn cứ, cần cụ thể và sớm hoàn thiện để bảo đảm tính thuyết phục khi trình Quốc hội thông qua.

Trong đó, về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Sông Hậu, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhấn mạnh Dự án này là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong xã hội hóa nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng vận tải thủy nội địa, tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm chủ lực Vùng đồng bằng sông Cửu Long, giảm chi phí logistic.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương áp dụng một số cơ chế, chính sách ưu đãi như Chính phủ trình; đề nghị Chính phủ lưu ý đánh giá về hiệu quả kinh tế-xã hội gắn với quy hoạch Vùng đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá tính khả thi chính sách và đánh giá đầy đủ tác động khi tiến hành nạo vét dự án, nhất là tác động đến môi trường, trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, và các địa phương khác có liên quan; thời hạn ưu tiên thống nhất là 5 năm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường theo trình tự, thủ tục rút gọn, đồng thời thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép thành phố Cần Thơ được thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù.