Đa sắc màu lễ hội
Tỉnh Bình Phước là nơi hội tụ và sinh sống của 41 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Xtiêng, M’nông, Khmer... là những cư dân có lịch sử cư trú lâu đời. Trong quá trình phát triển, cư dân sinh sống trên vùng đất Bình Phước đã kiến tạo nên những di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, đặc sắc. Các lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, như: Lễ hội Kết bạn của người Xtiêng và người M’nông; Lễ hội Mừng lúa mới, Lễ Quay đầu trâu, Tục Cưới trả của… của người Xtiêng; Lễ hội Phá bàu của người Khmer. Mỗi lễ hội có những bản sắc riêng biệt, phản ánh phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của các dân tộc anh em sinh sống ở cuối dãy Trường Sơn.
Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố khác nhau nên một số lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đang dần mai một, như: Lễ hội Kết bạn cộng đồng, Lễ hội Kết bạn giữa người M’nông với người Xtiêng... Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các lễ hội truyền thống của đồng bào sống lâu đời trên địa bàn, tỉnh Bình Phước đang nỗ lực phục dựng và lan truyền các lễ hội truyền thống có giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khắc Vĩnh cho biết, ngoài các di tích lịch sử, Bình Phước có các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Cầu bông, Lễ Cầu mưa; Lễ hội Mừng lúa mới… của người Xtiêng, M’nông. Bên cạnh đó, các nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian cũng khá đặc sắc, như: chế biến rượu cần, đan lát, dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bình Phước còn gặp một số khó khăn, trong đó nguồn kinh phí đầu tư cho văn hóa còn rất thấp.
Lễ hội Mừng lúa mới là hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Xtiêng ở Bình Phước. Đây là một trong những hoạt động với ý nghĩa tạ ơn thần linh đã mang đến mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu cho năm mới mạnh khỏe, ấm no, đồng thời cũng là dịp để dân làng tề tựu, cùng chia sẻ niềm vui sau vụ mùa.
Trước ngày diễn ra lễ hội, già làng phân công nhiệm vụ cho bà con chuẩn bị lễ vật, như: gạo nếp để nấu cơm lam, thịt heo nướng, các loại nguyên liệu để nấu canh thụt, gà luộc. Già làng cùng các thanh niên trai tráng sẽ chuẩn bị sân lễ hội, trang trí cây nêu và các vật phẩm cúng thần lúa cũng được chuẩn bị chu đáo, đẹp mắt. Các đội múa, đội cồng chiêng cũng tập luyện để biểu diễn trong suốt lễ hội.
Đừng để lãng phí giá trị văn hóa
Chúng tôi may mắn được dự Lễ hội Kết bạn cộng đồng của người M’nông giữa thôn Sơn Hòa và thôn Sơn Tùng được tổ chức tại xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng. Đây là một trong những hoạt động nhằm phục dựng các lễ hội truyền thống, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của người M’nông trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Không gian tổ chức lễ hội diễn ra tại nhà văn hóa cộng đồng và thu hút hàng trăm người tại địa phương.
Đến với không gian lễ hội, ngoài các lễ vật truyền thống để mời thần linh về chứng giám Lễ hội Kết bạn cộng đồng, đáng chú ý là màn nói chuyện và hát đối đáp của hai già làng bằng tiếng M’nông khiến rất nhiều người thích thú. Phong tục mời rượu kết bạn giữa hai cộng đồng dân cư cũng được tổ chức rất đặc biệt.
Rượu được chuẩn bị trong các ống lồ ô từ trước, khi khách đến dân làng mời nhau trước sự chứng giám của thần linh và dân làng. Đội cồng chiêng liên tục hợp xướng, tạo ra một không gian vui nhộn và thiêng liêng. Già làng Điểu Men, thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng cho biết: “Trước đây lễ hội kết bạn được tổ chức luân phiên mỗi năm một lần vào dịp dân làng thu hoạch xong mùa màng. Đây là dịp để người dân quây quần bên nhau để chia vui thành quả sau một năm lao động”.
Tại lễ hội, dân làng cũng đem đến nhiều sản vật địa phương, đặc biệt là trình diễn nghề dệt thổ cẩm và nghề đan lát của người M’nông. Bà An Đê ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng cho biết: “Chúng tôi là thế hệ đi trước và rất tâm huyết gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc M’nông. Đây là dịp để chúng tôi giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống, nhất là các sản phẩm thổ cẩm và nghề đan lát đến bà con xa gần”.
Lễ hội Kết bạn cộng đồng của người M’nông rất đặc sắc, đậm nét văn hóa và phản ánh đời sống tinh thần của cư dân nơi đây. Tuy nhiên lễ hội chỉ gói gọn trong không gian hẹp, vài trăm người đến dự chủ yếu là người dân địa phương và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan về dự. Đây là một trong những lãng phí về tài nguyên văn hóa các dân tộc.
Do đó, các cấp, các ngành tỉnh Bình Phước cần có sự chuẩn bị chu đáo khi tổ chức hay phục dựng các lễ hội, đồng thời phối hợp với các nhà làm du lịch để quảng bá, xúc tiến du lịch. Song song với đó, cần hỗ trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Từ đó bà con có nguồn thu nhập ổn định và tập trung vào việc giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc để du lịch trở thành nguồn sinh kế bền vững.