Môn Ngữ văn có mặt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên của cả hai Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn) và Trường đại học Khoa học Tự nhiên (thuộc trường đại học Khoa học Tự nhiên).
Đây là môn thi đầu tiên trong số các môn thi diễn ra trong đợt thi hai ngày 12 và 13-7 của hai trường.
Với đề Ngữ văn của năm tuyển sinh vào lớp 10 đầu tiên, Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn đã chọn cách ra đề theo hướng nhẹ nhàng, cơ bản, không gây khó khăn cho thí sinh, theo nhận định của một số giáo viên.
Đề thi Ngữ văn của trường có cấu trúc quen thuộc với hai phần: Đọc hiểu văn bản và Làm văn.
Phần Đọc hiểu văn bản (3 điểm) kiểm tra các kiến thức đọc hiểu văn bản trích trong truyện ngắn Chiếc lược ngà. Các câu hỏi tập trung kiểm tra kiến thức về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, kiến thức tiếng Việt và ý nghĩa một chi tiết trong văn bản. “Các câu hỏi đề khá cơ bản, nắm chắc thông tin và nội dung tác phẩm các thí sinh sẽ làm tốt và giành điểm ở các câu hỏi này” – giáo viên Ngữ văn của Hệ thống giáo dục Học mãi Nguyễn Phi Hùng đưa ra nhận xét.
Phần Làm văn có hai câu hỏi, yêu cầu viết đoạn nghị luận xã hội và đoạn nghị luận văn học.
Đoạn nghị luận xã hội hỏi về ý nghĩa của tình cảm gia đình, là vấn đề gần gũi, quen thuộc với học sinh nên sẽ không gây khó khăn cho các thí sinh, nhất là khi đây là học sinh dự thi vào trường chuyên khối xã hội nhân văn.
Đoạn nghị luận văn học yêu cầu cảm nhận về khổ thơ thứ tư và thứ năm của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, nói về ước vọng hoà nhập và cống hiến của tác giả. Đoạn thơ hay, vừa giàu ý nghĩa vừa có nhiều hình ảnh ấn tượng, cảm xúc chân thành, tha thiết. Đây cũng là phần kiến thức nằm trong trọng tâm ôn luyện mà học sinh đã được ôn tập kỹ.
“Nhìn chung, đề nhẹ nhàng, các câu hỏi không quá khó, đều nằm trong phạm vi chương trình Ngữ văn 9. Các thí sinh ôn tập chu đáo, có kiến thức chắc chắn và kỹ năng làm bài tốt sẽ không gặp khó khăn với đề thi này. Mặt bằng chung về điểm số có thể sẽ cao”, giáo viên Nguyễn Phi Hùng nhận định.
Cùng quan điểm này, giáo viên môn Ngữ văn, Trường phổ thông liên cấp Wellspring Nguyễn Thị Thu Trang cho biết: “Đề thi có trọng tâm kiến thức vào chương trình Ngữ văn lớp 9, kiểm tra toàn diện kiến thức và kỹ năng của học sinh. Phần I, ngữ liệu là văn bản "Chiếc lược ngà" quen thuộc với các câu hỏi về tác giả, tác phẩm, kiến thức tiếng Việt. Câu hỏi cảm thụ chi tiết khá hay để học sinh lý giải liên quan tâm trạng cảm xúc của nhân vật. Phần II, Làm văn, câu hỏi cơ bản và học sinh có thể triển khai ý tương đối dễ dàng về chủ đề tình cảm gia đình. Câu hỏi nghị luân văn học cảm nhận về khổ thơ "Mùa xuân nho nhỏ" vừa sức với học sinh. Nhìn chung đề thi không có câu hỏi quá khó lắt léo nhưng có thể đánh giá toàn diện kỹ năng.”
Đánh giá chung về đề thi Ngữ văn năm nay của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, giáo viên Nguyễn Thị Thu Trang của Hệ thống giáo dục Học mãi cho biết, đề vẫn giữ cấu trúc quen thuộc gồm: Câu hỏi trắc nghiệm kiến thức kết hợp đọc hiểu, câu 2 thuộc chủ đề nghị luận xã hội và câu thứ 3 thuộc chủ đề nghị luận văn học. “Đề thi có biểu điểm rõ ràng từng câu giúp học sinh xác định vai trò từng phần và phân bổ thời gian làm bài hợp lý, hiệu quả. Nhìn chung đề thi vừa sức, kiểm tra tương đối toàn diện kiến thức và kỹ năng của học sinh. Với đề thi này, đa số học sinh sẽ hoàn thành bài với phổ điểm từ 6-7 điểm” – giáo viên cho biết.
Cụ thể, câu 1 là câu hỏi liên quan kiến thức tiếng Việt, văn bản trong chương trình Ngữ văn, ngữ liệu văn bản đọc hiểu nằm ngoài sách giáo khoa Ngữ văn 9 (đoạn thơ trong bài “Trở về với mẹ ta thôi” của Đồng Đức Bốn). Câu đọc hiểu kiểm tra kiến thức về thể thơ và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn thơ. Ngữ liệu hay, ngắn gọn nhưng giàu cảm xúc về đề tài tình mẫu tử và biện pháp tu từ dễ xác định đối với học sinh.
Câu 2 yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội, chủ đề liên quan mục đích chân chính của việc học, ngữ liệu dẫn dắt từ văn bản “Bàn luận về phép học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Đây là kiểu đề bài nghị luận tư tưởng đạo lý, học sinh phải thể hiện kỹ năng nghị luận kết hợp hiểu biết xã hội, đưa dẫn chứng thuyết phục.
Câu 3 nghị luận văn học tự chọn yêu cầu phân tích bài thơ “Viếng lăng Bác” hoặc phân tích nhân vật ông Sáu trong “Chiếc lược ngà” . Yêu cầu đề bài không lạ, không khó nhưng yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức và có năng lực cảm thụ tốt, chọn lọc phân tích các hình ảnh thơ/biện pháp tu từ hoặc phân tích nhân vật đi theo tình huống truyện.
Với câu 3, chiếm 50% điểm của bài thi, giáo viên Nguyễn Phi Hùng lưu ý thêm: “Điểm số cao sẽ dành cho những bài viết vừa bảo đảm về diện rộng của phạm vi vấn đề, vừa có những điểm nhấn, những trọng tâm để tạo ấn tượng cho giáo viên chấm. Một số bạn khi làm câu 3b thường chỉ phân tích tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu. Nhưng để dành điểm tối đa, các em cần phân tích nhân vật ở cả hai bình diện: một người chiến sĩ yêu nước và một người cha yêu con hết mực.
Thầy Nguyễn Phi Hùng cho rằng nhìn chung, đề thi phù hợp với mục đích của một bài thi điều kiện vào trường chuyên khối khoa học tự nhiên. Các thí sinh có kiến thức cơ bản có thể hoàn thành tốt.