Đề Ngữ văn tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bám sát yêu cầu mới

NDO - Đề Ngữ văn tham khảo cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố được nhận định bảo đảm đúng các tiêu chí về việc lựa chọn ngữ liệu, ma trận câu hỏi,… trong đó có những yếu tố phù hợp với lứa học sinh lần đầu tiên tham dự kỳ thi của chương trình mới.
0:00 / 0:00
0:00
Đề Ngữ văn tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bám sát yêu cầu mới

Theo những định hướng trong hoạt động kiểm tra, đánh giá của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đề Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố được giáo viên đánh giá bảo đảm các tiêu chí về việc lựa chọn ngữ liệu, ma trận câu hỏi...

Ở phần Đọc hiểu, văn bản xuất hiện là văn bản thơ trữ tình, không thuộc bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Việc lựa chọn ngữ liệu này đã bảo đảm đúng yêu cầu và định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đi kèm ngữ liệu là 5 câu hỏi thuộc 4 cấp độ: nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao. “So với đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2024 trở về trước thì số lượng câu hỏi tăng lên nhưng có cấu trúc giống như đề tham khảo được công bố cuối năm 2023” - các giáo viên Tổ Ngữ văn, Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận xét.

Nội dung hai câu hỏi đầu tiên thuộc cấp độ nhận biết, cách hỏi khác so với những câu hỏi thường gặp trước đây (xác định thể loại của đoạn trích trên hay chỉ ra biện pháp tu từ trong câu… ). Tuy phạm vi kiến thức giữ nguyên, nhưng cũng có thể thấy được sự thay đổi từ kiểm tra ghi nhớ kiến thức sang đánh giá kỹ năng của học sinh.

Ba câu hỏi tiếp theo có cách hỏi và nội dung tương đối quen thuộc với học sinh.

Phần Viết chiếm tỷ lệ 60%, học sinh sẽ cần viết một đoạn văn nghị luận văn học và một bài văn nghị luận xã hội.

So với đề tham khảo được công bố trước đây (đề tham khảo năm 2023), câu hỏi nghị luận văn học đã có sự thay đổi, từ làm rõ đặc điểm của thể loại sang phân tích nội dung. "Điều này đã giảm rất nhiều áp lực cho thí sinh bởi yêu cầu viết đoạn văn nghị luận phân tích giá trị nội dung hoặc nghệ thuật của một tác phẩm văn học thí sinh đã làm quen và thực hành trong nhiều năm, đặc biệt là giai đoạn THPT; còn yêu cầu làm rõ đặc điểm của thể loại sẽ cần huy động nhiều kiến thức, yêu cầu khả năng đọc - hiểu thể loại tốt hơn" - giáo viên nhận xét.

Ngoài ra, việc không còn ngữ liệu ở câu hỏi này sẽ giúp thí sinh có nhiều thời gian hơn cho phần Viết, liên kết các câu hỏi ở phần Đọc hiểu, là một lợi thế trong phòng thi.

Ở câu hỏi nghị luận xã hội, với yêu cầu viết bài văn 600 chữ sẽ không làm khó các thí sinh; chủ đề trí tuệ nhân tạo cũng là vấn đề quen thuộc, việc lựa chọn dẫn chứng, đưa ra ý kiến bàn luận sắc sảo sẽ là lợi thế, tạo nên những bài viết ấn tượng. Để có được điểm trọn vẹn, thí sinh cần có những ví dụ hay, dẫn chứng thuyết phục. Các thao tác lập luận cần được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và thể hiện rõ được quan điểm của người viết.

Việc công bố cấu trúc đề thi sớm sẽ là lợi thế cho quá trình học tập và ôn luyện của học sinh. "Tuy nhiên, các em cần lưu ý đây là đề minh họa, số lượng ngữ liệu có thể tăng lên nên cũng cần rèn luyện kỹ năng đọc nhanh, đọc chính xác để làm bài hiệu quả", giáo viên đưa ra lời khuyên.