Để ngư dân Quảng Bình vươn khơi

Thời gian gần đây, cùng với công tác tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017, các ngành, địa phương của tỉnh Quảng Bình tập trung hỗ trợ ngư dân cải hoán tàu cá bảo đảm quy định, lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hạn ngạch khai thác xa bờ để ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển sản xuất và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Hoán cải tàu cá đạt chuẩn chiều dài để vươn khơi ở Quảng Bình.
Hoán cải tàu cá đạt chuẩn chiều dài để vươn khơi ở Quảng Bình.

Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Bình có 5.732 chiếc tàu, thuyền khai thác hải sản, trong đó hơn 1.500 tàu khai thác xa bờ. Ở nhiều xã ven biển đã hình thành những đội tàu xa bờ và các tổ, nhóm ngư dân giúp nhau đánh bắt hải sản. Nhờ vậy, khai thác hải sản của Quảng Bình đã có những chuyển biến tích cực, mang lại giá trị kinh tế cao. Đời sống ngư dân được cải thiện.

Thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các quy định mới nhằm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, góp phần xóa bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản mới đến ngư dân và chủ các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; rà soát tổng thể các đối tượng chịu tác động của luật; dự báo trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Từ đó, tỉnh phối hợp Tổng cục Thủy sản xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá về tàu cá, tích hợp các thông tin về số đăng ký tàu cá, chủ tàu, kích thước, nghề khai thác để có biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả.

Toàn tỉnh hiện có 1.043 tàu cá đủ điều kiện và được cấp phép khai thác hải sản xa bờ và 388 tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài dưới 15 m cần được cải hoán để đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Trong khi chưa cải hoán và cấp giấy phép hoạt động, số tàu cá trên phải nằm bờ, gây bức xúc cho ngư dân. Trước tình hình đó, Chi cục Thủy sản Quảng Bình và chính quyền các xã ven biển bám địa bàn để tuyên truyền, giải thích cho ngư dân về Luật Thủy sản và các quy định mới; tạo điều kiện cho ngư dân cải hoán tàu cá và đề nghị cấp hạn ngạch khai thác xa bờ.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình Lê Ngọc Linh, đến đầu tháng 12, có 203 hồ sơ xin cải hoán tàu cá được đồng ý chấp thuận, trong đó 60 tàu đã cải hoán xong và được cấp đăng ký, đăng kiểm. Ngư dân Hoàng Linh ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch cho biết, tàu của anh có công suất 700 CV nhưng chiều dài dưới 15 m, dự kiến cuối tháng 12 này, tàu cải hoán xong với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Đồng Vinh Quang nói thêm, do nghề biển truyền thống và tập quán đánh bắt cho nên dù là vươn ra ngư trường biển xa nhưng đội tàu xa bờ của địa phương cũng đóng theo dạng “rộng bề ngang, ngắn bề dọc”, do vậy, khi áp dụng tiêu chuẩn mới thì toàn xã có hơn 100 tàu cần cải hoán. Nhiều tàu đang tích cực cải hoán với mong muốn sớm được ra khơi. Ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn có hơn 50 tàu cá trong diện phải cải hoán. Ngư dân rất sốt sắng làm hồ sơ và mong ngành chức năng sớm xem xét giấy phép để cho họ tiếp tục đánh bắt xa bờ. Ông Lê Ngọc Linh chia sẻ: “Qua nắm bắt tình hình, chúng tôi thấy ngư dân lo lắng là đúng. Đến cuối tháng 12 năm nay, Quảng Bình có 388 tàu cải hoán xong, chúng tôi tham mưu cho tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp hạn ngạch bổ sung cho số tàu này”.

Thêm một vấn đề khác mà ngư dân còn băn khoăn. Đó là, theo quy định của Luật Thủy sản, đến ngày 1-4-2020, toàn bộ tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài hơn 15 m và dưới 24 m phải lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình (GSHT) thay thế cho thiết bị VX 1.700 định vị tàu cá. Với thiết bị mới, mỗi tàu cá khi khai thác xa bờ cứ hai giờ/lần sẽ báo về trạm bờ biết vị trí, tọa độ mà tàu đang hoạt động. Đến đầu tháng 12, tại Quảng Bình mới có hai doanh nghiệp có đủ điều kiện và được phép lắp đặt thiết bị GSHT với mức giá 35 - 40 triệu đồng/thiết bị. Gói cước dịch vụ mức 300-500 nghìn đồng/máy/tháng. Ngư dân đang phân vân lựa chọn doanh nghiệp phù hợp về giá dịch vụ và điều kiện bảo hành, sửa chữa. Ông Nguyễn Dương ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới cho biết, nhiều doanh nghiệp đến chào hàng nhưng ông không dám nhận lời bởi còn lo lắng việc bảo hành, sửa chữa. Thông thường, tàu cá ra khơi đánh cá theo đợt. Khi trăng sáng, tàu về cập bến rất nhiều và nhu cầu bảo hành hay chỉnh sửa thiết bị sẽ tăng đột biến. Nếu doanh nghiệp chưa đáp ứng được việc bảo hành, sửa chữa thì tàu phải chờ đợi, không thể ra khơi.

Chỉ còn hơn bốn tháng nữa là ngư dân phải hoàn thành việc lắp đặt GSHT tàu cá. Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Bình mới có 62 chiếc được lắp thiết bị, gần 1.200 tàu chưa có. Mặt khác, sau khi lắp xong thiết bị GSHT, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan niêm phong bằng kẹp chì, đăng ký số quản lý và hòa mạng đưa vào sử dụng. Như vậy, chỉ còn khoảng thời gian rất ngắn trong khi khối lượng công việc còn rất nhiều, nếu không cố gắng sớm cung cấp thiết bị và huy động nhân lực để thực hiện thì nhiều tàu cá sẽ không thể ra khơi.