Đề nghị các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông

NDO -

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi cho cán bộ, giáo viên làm công tác thi; thành lập các điểm thi; rà soát tổng thể, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ thi như: Địa điểm in sao đề thi; địa điểm lưu trữ bài thi của Hội đồng thi; địa điểm làm phách; địa điểm chấm thi; thiết bị camera giám sát...

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Đó là nội dung được nêu tại hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 8/6, tại Hà Nội.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 giữ ổn định về phương thức như năm 2021. Theo kế hoạch, kỳ thi sẽ được tổ chức vào các ngày 7 và 8/7/2022. Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương, cơ sở giáo dục đang tích cực chuẩn bị, hoàn tất các khâu cuối trong việc tổ chức kỳ thi.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự cố gắng, nỗ lực chung của toàn ngành giáo dục, sự quan tâm của các địa phương, 63 tỉnh, thành phố đã kết thúc năm học vào ngày 31/5 cho khối lớp 12. Đây là tiền đề quan trọng để có thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 đồng loạt trên cả nước vào ngày 7 và 8/7.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 cơ bản ổn định như năm 2021. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, phụ trách các vấn đề chung về chính sách, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi; chịu trách nhiệm về đề thi; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi… Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi của địa phương. Trong những năm qua, các địa phương đã vào cuộc tổ chức kỳ thi với tinh thần trách nhiệm rất cao.

Thời điểm này, dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, những ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn hiện hữu. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố lưu ý, hỗ trợ tối đa cho các sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt các khâu chuyên môn, giúp học sinh vững cả về kiến thức và tâm lý trước khi bước vào kỳ thi; quan tâm hỗ trợ các thí sinh vùng sâu, vùng xa về đi lại, lưu trú… Các địa phương quan tâm, tăng cường khâu kiểm tra, giám sát để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những khâu về đề thi, coi thi, chấm thi.

Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Lê Mỹ Phong, trong nhiều công việc chuẩn bị, thì công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi có vai trò quan trọng trong kỳ thi. Theo đó, việc xây dựng ngân hang câu hỏi thi, ra đề thi được thực hiện nguyên tắc độc lập và phân định rõ trách nhiệm giữa các khâu trong xây dựng, quản lý như: biên soạn, biên tập, thẩm định, định cỡ, lựa chọn và nhập dữ liệu câu hỏi.

Thực hiện rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 các năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022 sẽ không đưa vào đề thi năm nay…

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc bộ phối hợp các đơn vị của Bộ Công an chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai công tác cho Hội đồng ra đề thi bảo đảm an toàn, chất lượng. Tổ chức các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 đến kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tại địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi cho cán bộ, giáo viên làm công tác thi; thành lập các điểm thi. Rà soát tổng thể, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ thi như: Địa điểm in sao đề thi; địa điểm lưu trữ bài thi của Hội đồng thi; địa điểm làm phách; địa điểm chấm thi; thiết bị camera giám sát; thiết bị phòng cháy, chữa cháy...