Vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo quốc tế “Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng”. Xuyên suốt hội thảo, các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán một số quốc gia châu Âu cùng lãnh đạo các hiệp hội thương mại, doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực đô thị thông minh giới thiệu các thành tựu trong việc xây dựng và quản lý đô thị thông minh của các quốc gia Tây Âu, Bắc Âu để Đà Nẵng và các thành phố khác trong nước rút kinh nghiệm, áp dụng phù hợp thực tiễn của địa phương mình.
Đà Nẵng được đánh giá là thành phố có cơ sở hạ tầng, dịch vụ và trình độ quản lý đáp ứng các điều kiện để xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời chính quyền và nhân dân địa phương cũng đang quyết tâm xây dựng thành phố thông minh. Đề án xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định, lộ trình cụ thể và các chương trình, dự án ưu tiên như cung cấp dịch vụ công thông minh, giao thông, an ninh trật tự, môi trường, cấp điện, cấp nước, phòng, chống thiên tai…
Đến nay, Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả tích cực, chuyển quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công từ truyền thống sang dựa trên dữ liệu số và công nghệ số. Thành phố Đà Nẵng được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao trong quá trình xây dựng thành phố thông minh như: Giải thưởng ASOCIO Smart City 2019 của Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á-châu Đại Dương; Giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam liên tiếp trong hai năm 2020 và 2021.
Qua tổng hợp các tham luận tại hội thảo và kinh nghiệm rút ra từ xây dựng thành phố thông minh của các nước, có thể khẳng định, vấn đề xây dựng và phát triển đô thị thông minh ở nước ta là một nhu cầu mang tính tất yếu, sẽ giúp cho các đô thị bắt kịp với xu hướng phát triển chung của đô thị ở nhiều nước trên thế giới. Với xu thế chuyển đổi số, các đô thị cần phát huy hơn nữa thế mạnh phát triển công nghệ trên nền tảng hạ tầng sẵn có, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm để xây dựng thành phố thông minh, tiện ích vượt trội và phát triển bền vững.
Cùng với đó, các thành phố cần đặt ra các giải pháp quan trọng trong xây dựng đô thị thông minh như tăng cường ký kết, hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm; từng bước mở rộng thị trường, đưa các giải pháp công nghệ số của Việt Nam ra thị trường quốc tế; chủ động nghiên cứu các mô hình, giải pháp về phát triển đô thị để đưa vào triển khai các chương trình, dự án thành phố thông minh, bảo đảm phù hợp thực tiễn của từng đô thị và tiếp cận xu hướng thế giới.
Các thành phố cũng cần tập trung vào vấn đề quản trị và vận hành đô thị thông minh, ứng dụng các lợi thế công nghệ nhằm đưa ra các giải pháp về tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng cũng như các giải pháp để giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn mở ra không gian mới trong phát triển đô thị hiện nay.