Từ thành công này, Bộ Công thương đã xây dựng Chương trình giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu trong giai đoạn này tiết kiệm từ 8 đến 10% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc, tương đương từ 50 đến 60 triệu TOE.
Chương trình giai đoạn 2019 - 2030 gồm bốn dự án thành phần với nhiều mục tiêu cụ thể: giảm từ 8% đến 10% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc, giảm tối thiểu 8% suất tiêu hao năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng và đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong khối doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2019-2030. Tổng nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia SDNLTK-HQ giai đoạn 2019-2030 dự kiến khoảng 1.800 tỷ đồng. Nội dung Dự thảo Chương trình giai đoạn 2019-2030 được xây dựng bao gồm bốn dự án thành phần: Dự án tăng cường phổ biến thông tin, kiến thức và hướng dẫn cách thức thực hành, sử dụng trang thiết bị hiệu quả năng lượng và các công nghệ TKNL; Dự án hoàn thiện thể chế và phát triển thị trường sản phẩm, công nghệ, thiết bị hiệu suất năng lượng cao và dịch vụ TKNL; Dự án thúc đẩy SDNLTK-HQ trong các công trình xây dựng và Dự án thúc đẩy TKNL trong ngành giao thông vận tải.
Mục tiêu trong giai đoạn này sẽ tiết kiệm từ 8 đến 10% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc, tương đương từ 50 đến 60 triệu TOE; giảm tối thiểu 8% suất tiêu hao năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng như thép, xi-măng, dệt, công nghiệp điện lực, ngành nhựa, sản xuất bia, rượu, thuốc lá, hóa chất, giấy và bột giấy… Đồng thời, sẽ xây dựng các cơ chế nhằm khuyến khích và thúc đẩy SDNLTK-HQ trong khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Công thương cũng sẽ mạnh dạn đưa vào những đề xuất về cơ chế khuyến khích đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cũng như là đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa để giúp các ngành nghề kinh tế nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Một trong những cơ chế đó có thể là thiết lập các quỹ để thúc đẩy TKNL cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ chế để thúc đẩy thị trường dịch vụ năng lượng. Thông qua đó chúng ta sẽ dần hướng tới việc xây dựng một thị trường TKNL bền vững và vận hành theo cơ chế thị trường. Cơ chế này sẽ không làm tăng thêm chi tiêu công mà mục tiêu là làm sao thu hút được nhiều hơn sự tham gia của các khu vực tư nhân và nước ngoài, tăng cường hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực TKNL.
Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tăng trung bình 8,7% - là mức tăng rất nhanh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc tìm kiếm giải pháp cung ứng đầy đủ nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế là vấn đề quan trọng và cấp bách. Qua khảo sát và tính toán cho thấy Việt Nam còn nhiều cơ hội để TKNL tại tất cả các lĩnh vực từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ cho tới từng gia đình. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thi hành các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả còn chưa nghiêm, nhiều doanh nghiệp chưa thật sự thực hiện các yêu cầu theo quy định đã ban hành. Ngoài ra, nguồn kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước cho chương trình thường muộn và thấp, trong khi các đối tượng trong khuôn khổ chương trình rất rộng và đa dạng.
Chương trình quốc gia về SDNLTK-HQ trong giai đoạn 2019 - 2030 cho thấy rõ sự cần thiết bởi Việt Nam cam kết cắt giảm 8% lượng khí phát thải nhà kính từ năm 2021 đến 2030 so với kịch bản cơ sở và mức cắt giảm này có thể đạt tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ của quốc tế. Việc này đóng vai trò chủ đạo trong kịch bản giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Các chuyên gia tư vấn năng lượng của Ngân hàng Thế giới cho rằng, việc sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm, còn lãng phí là do chế tài xử phạt còn quá nhẹ. Đây là tình trạng chung của nhiều nước. Do vậy, trong thời gian tới, khi triển khai Chương trình này, cần có những chế tài nghiêm khắc hơn theo hướng “Chế tài và tài chính phải song hành”; có các cơ chế khuyến khích những người làm tốt. Cũng theo các chuyên gia tư vấn năng lượng quốc tế, trong công tác quản lý, cần có bộ phận quản lý năng lượng chuyên trách trong những đơn vị sử dụng nhiều năng lượng. Phải sử dụng đơn vị kiểm toán có trình độ; nộp báo cáo cho các cơ quan chức năng, lưu giữ toàn bộ tài liệu để bảo đảm có thể theo dõi, giám sát được các hoạt động này.
Chương trình Mục tiêu quốc gia về SDNLTK-HQ (VNEEP) giai đoạn 1 (2006-2010) và giai đoạn 2 (2012-2015) đã giúp Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, giảm phát thải và sử dụng năng lượng tiết kiệm trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu cam kết giảm phát thải tới 8% từ nay tới 2030, nhiều chuyên gia kiến nghị, cần tiếp tục triển khai Chương trình ở giai đoạn 3; trong đó, chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc TKNL.
Việt Nam còn nhiều cơ hội kỹ thuật để giảm thiểu thất thoát và lãng phí trong cung cấp và sử dụng năng lượng tại tất cả các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, hộ gia đình. Do đó, việc triển khai Chương trình giai đoạn 3 sẽ hỗ trợ các địa phương thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chương trình TKNL trên phạm vi toàn quốc.