Trao đổi với TTXVN, cựu biên tập viên cao cấp của hãng thông tấn chính thức Antara nêu rõ đất nước của Paman Ho (Bác Hồ, tên được người dân Indonesia trân trọng dành cho nhà lãnh đạo lập quốc Việt Nam) đặt mục tiêu cao nhất trong quan hệ đối ngoại là giữ vững hòa bình để phát triển, có nghĩa là tạo lập môi trường quốc tế hòa bình, thuận lợi cho các nỗ lực đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia.
Theo ông Anthony, tư tưởng chủ đạo trong mọi hoạt động đối ngoại của Việt Nam là bảo vệ nguyên tắc độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đồng thời phát huy hết sức sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với lập trường, điều kiện, tình hình cụ thể trong nước cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực. Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm vững vàng về nguyên tắc, linh hoạt trong cách thức tiến hành, nhất quán về nguyên tắc chiến lược nhưng mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược của tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
Ông Anthony cho biết, Việt Nam đang có những bước phát triển nhanh chóng, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế và đang trong quá trình trở thành một quốc gia chú trọng phát triển bền vững. Những thành tựu to lớn của công cuộc Ðổi mới bắt đầu từ năm 1986 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế năng động bậc nhất châu Á. Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng bị cô lập về chính trị và kinh tế để phát triển quan hệ đối ngoại, mở rộng hội nhập quốc tế, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương, khu vực và đa phương...
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney về trường phái “ngoại giao cây tre” của Việt Nam, cựu Toàn quyền Australia Peter Cosgrove nhận định đây là dấu ấn thể hiện sự gắn kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Ðề cập vai trò của Việt Nam tại khu vực, cựu Toàn quyền Peter Cosgrove nêu rõ Australia coi trọng vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong ASEAN. Ðiều này xuất phát từ sự tin tưởng của Australia vào chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Việt Nam cũng đóng vai trò dẫn dắt quan trọng tại Tiểu vùng Mê Công. Sự tham gia của Việt Nam vào các tổ chức như Ủy hội sông Mê Công bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ về các vấn đề nước xuyên biên giới, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực. Australia cũng ủng hộ và đánh giá cao đóng góp của Việt Nam ở Biển Ðông, đặc biệt là thúc đẩy vai trò của luật pháp quốc tế thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 - lập trường mà Australia chia sẻ.