Năm 2021, thành phố Hải Phòng từng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (mũi 1, mũi 2) đối với người hơn 18 tuổi, trẻ từ 12 đến 18 tuổi, trẻ từ 5 đến 12 tuổi. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên mới đạt khoảng 50%, đây là tỷ lệ khá thấp so với tỷ lệ cần đạt là 90%.
Xuất hiện tâm lý chủ quan
Tương tự Hải Phòng, tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) của tỉnh Thái Bình cũng không cao. Ðến ngày 19/7, số người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3 đạt 85,58%; mũi 4 mới đạt 49,05%. Còn tiến độ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi thì chỉ đạt 18,48%. Cũng tính đến ngày 19/7, tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên tại thành phố Cần Thơ đạt hơn 50%, tỷ lệ người tiêm mũi 4 đạt gần 20%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người tiêm mũi 3, mũi 4 đạt thấp tại địa bàn các tỉnh, thành phố nêu trên. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Phòng Nguyễn Quang Chính chia sẻ: Trong đợt dịch vừa qua, "đỉnh dịch" tại Hải Phòng xảy ra vào thời điểm cuối quý I/2022, nhiều người mắc Covid-19, cho nên đến nay mới tới thời gian tiêm mũi 3, mũi 4. Ðồng thời, nhiều người dân phải tiêm mũi bổ sung mới hoàn thành liều cơ bản và đến nay cũng mới đủ thời gian để tiêm mũi 3, mũi 4. Ðại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình giải thích: Sau khi các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường, nhiều người dân Thái Bình đi lao động, học tập tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, dẫn đến cơ quan chức năng không thể thống kê được đối tượng tiêm vắc-xin. Bác sĩ Nguyễn Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ) thì cho biết: Sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; lao động các doanh nghiệp trên địa bàn quận đã tiêm mũi 1, mũi 2 hiện đã về quê nghỉ hè, hoặc chuyển việc về tỉnh khác cho nên việc tiêm vắc-xin kéo dài, tỷ lệ chưa cao.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu được nhiều chuyên gia nhận định là do tâm lý lơ là, chủ quan của người dân khi thấy tình hình dịch bệnh trên địa bàn "lắng xuống", cuộc sống trở lại bình thường. Bác sĩ Trần Xuân Hòa, Trạm trưởng Y tế xã Bách Thuận cho biết: "Ðang xuất hiện tâm lý, chủ quan trong nhân dân, không muốn tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại. Trước đây, người dân tranh nhau đi tiêm mũi 1, mũi 2; còn bây giờ chúng tôi gửi giấy mời cũng không đi. Cán bộ y tế phải gọi điện thoại vận động từng người, hỏi rõ lý do vì sao họ không đi tiêm". Mặt khác trên mạng xã hội có nhiều luồng thông tin trái chiều về các tác dụng phụ của tiêm vắc-xin phòng Covid-19 dẫn đến tâm lý e ngại, hoang mang của người dân. Ông Lê Văn Cảnh, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều (Cần Thơ) băn khoăn: "Tôi đã tiêm ba mũi và cũng đã mắc Covid-19, cho nên tôi chưa muốn tiêm mũi 4 vì lo ngại tiêm nhiều vắc-xin sẽ giảm trí nhớ, gây mất ngủ, đau đầu…".
Ngay tại Hà Nội, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho trẻ em cũng rất thấp. Nếu như tính đến giữa tháng 7/2022, đã có 99,9% số trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm vắc-xin mũi 1, mũi 2, thì hiện nay, Hà Nội lại nằm trong số 22 tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ lệ tiêm mũi 3 cho nhóm đối tượng này đạt tỷ lệ dưới 5%. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận định: "Dịch Covid-19 đã được kiểm soát cho nên người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, đánh giá thấp sự nguy hiểm của dịch bệnh. Việc vận động tuyên truyền người dân tham gia công tác tiêm chủng cho trẻ em và tiêm mũi 4 đối với người từ 18 tuổi trở lên còn hạn chế, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể".
Mô hình tiêm vắc-xin 24/7 tại Trung tâm y tế thành phố Thái Nguyên. (Ảnh THẾ BÌNH) |
Giải pháp để đẩy mạnh tiêm chủng
Trong bối cảnh chung đó, vẫn có một số địa phương có cách làm hiệu quả để đẩy nhanh công tác tiêm chủng tăng cường. Là tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp, trường đại học với số công nhân, sinh viên, lưu học sinh nước ngoài đông, ngày 3/6, Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên thành lập Trung tâm tiêm chủng 24/7, bố trí hàng chục y sĩ, bác sĩ trực cấp cứu, các điều kiện cần thiết để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân tất cả các ngày trong tuần và vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Bên cạnh đó, tỉnh tiêm vắc-xin cho người dân tại tất cả trạm y tế phường, xã vào các ngày; tuyên truyền, vận động người dân, thậm chí đề nghị địa phương, hộ gia đình ký cam kết tiêm vắc-xin. Ðể đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc-xin, trung tâm thành lập các tổ tiêm chủng cơ động hỗ trợ người già yếu, đối tượng chính sách, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ có thai không có khả năng hoặc khó khăn trong việc di chuyển. Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên Ðặng Ngọc Huy cho biết: Ðến giữa tháng 7/2022, gần 90% số người từ 18 tuổi trở lên của tỉnh Thái Nguyên đã tiêm mũi 3, gần 35% được tiêm mũi 4; trẻ từ 12 đến 18 tuổi tiêm mũi 2 đạt hơn 98% và mũi 3 đạt gần 14%. Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 2 đạt hơn 27%.
Trước nguy cơ xâm nhập của các biến chủng mới của Omicron như: BA.4 và BA.5 có thể khiến dịch Covid-19 phức tạp và gia tăng trở lại, thành phố Hải Phòng đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19. Thành phố yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5-12 tuổi, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12-18 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người hơn 18 tuổi... Sáng 21/7, thành phố phát động chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn địa bàn. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Khắc Nam cho biết: Thành phố đã tổ chức ký cam kết giữa Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các quận, huyện; giao chỉ tiêu tiêm chủng tới tận cấp huyện, cấp xã; thực hiện "Ði từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin cho người dân.
Tại tỉnh Thái Bình, Giám đốc Sở Y tế Phạm Quang Hòa cho biết: Ðể đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4, các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thống kê, lập danh sách những người đủ điều kiện tiêm mũi cơ bản, mũi bổ sung, mũi nhắc lại lần 1 và lần 2 theo thời gian; bảo đảm không để sót lọt đối tượng. Cán bộ y tế không cứng nhắc việc tiêm trong giờ hành chính, mà sẵn sàng tiêm cho mọi đối tượng vào buổi trưa, buổi tối và những ngày nghỉ cuối tuần. Ngoài ra, các địa phương rà soát số người lao động tại các cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có từ 100 lao động trở lên để tổ chức tiêm vắc-xin lưu động. Có các biện pháp, hình thức xử lý các doanh nghiệp cố tình không hợp tác, để người lao động lỡ thời điểm tiêm mũi bổ sung, hoặc tiêm mũi nhắc lại. Tỉnh đưa nội dung chỉ tiêu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 vào hoạt động bình xét thi đua cuối năm 2022; không xét, không đề nghị khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không thực hiện tiêm chủng ngừa Covid-19 theo quy định.
Mới đây, thành phố Hà Nội triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đợt 72 cho người dân. Số lượng vắc-xin phân bổ đợt này là 48.500 liều vắc-xin Pfizer cho lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi; 41.928 liều vắc-xin Pfizer tiêm cho lứa tuổi từ 12 tuổi trở lên. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: "Trong sáu tháng cuối năm 2022, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, nhất là tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi tới dưới 12 tuổi, nhắc lại mũi 3 cho trẻ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, mũi 4 cho người hơn 18 tuổi. Tăng cường tuyên truyền về tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch để mọi người dân biết, tin tưởng, ủng hộ hưởng ứng và tự giác tiêm vắc-xin tăng cường".
Theo kế hoạch, thành phố Cần Thơ hoàn thành tiêm mũi 3 trong tháng 8/2022. Ðể đạt mục tiêu, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Phạm Phú Trường Giang cho biết: Ngành y tế phối hợp các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc-xin để người dân chủ động tiêm chủng. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng tại các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần giúp chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 diễn ra nhanh chóng, kịp thời.