Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam

NDO -

Nhằm cải thiện hệ thống và cơ sở hạ tầng về quản lý an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hợp tác với Ngân hàng Thế giới để thực hiện Dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam.

Dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam được thực hiện trong thời gian dự kiến từ năm 2022 đến năm 2027 với tổng vốn dự kiến khoảng 343,48 triệu USD.
Dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam được thực hiện trong thời gian dự kiến từ năm 2022 đến năm 2027 với tổng vốn dự kiến khoảng 343,48 triệu USD.

Dự án sẽ được thực hiện trong phạm vi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với UBND các tỉnh thành phố Hà Nội, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, trong thời gian dự kiến từ năm 2022 đến năm 2027 với tổng vốn dự kiến khoảng 343,48 triệu USD.

Trong đó, vốn vay ưu đãi là 211,17 triệu USD, chiếm 61,6% tổng nguồn vốn. Vốn không hoàn lại theo dự kiến là 6 triệu USD sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, chiến 1,75% tổng nguồn vốn.

Vốn đối ứng trong nước là 40,36 triệu USD, chiến 11,8% tổng nguồn vốn. Và vốn tư nhân là 85,42 triệu USD, chiếm 24,9% tổng nguồn vốn.

Tại Dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sẽ thực hiện bốn hợp phần. Hợp phần một là đầu tư thí điểm hệ thống trung tâm giao dịch nông sản hiện đại quốc gia. Hợp phần hai là hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quản lý chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp an toàn quốc gia. Hợp phần ba là ứng dụng công nghệ, hoàn thiện thể chế, chính sách quốc gia về an toàn thực phẩm. Hợp phần bốn là quản lý dự án.

Các tỉnh, thành phố tham gia dự án cũng được đề xuất thực hiện bốn hợp phần. Hợp phần một là cải thiện cơ sở hạ tầng phát triển chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp an toàn. Hợp phần hai là đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hợp phần ba là đầu tư quản lý chất lượng chuỗi giá trị thực phẩm an toàn. Hợp phần bốn là quản lý dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phùng Đức Tiến, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực phẩm an toàn giúp người dân bảo đảm được sức khỏe đồng thời đáp ứng kịp với nhiều yêu cầu của thời đại mới. Qua đó, có thể tiến tới việc truy xuất được nguồn gốc của tất cả loại thực phẩm.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh tiến độ thực hiện dự án rất quan trọng. Cho đến nay phần nội dung cơ bản của dự án đã được xây dựng bài bản, các tỉnh tham gia dự án cần sớm hoàn thiện phần công việc của mình theo đúng tiến độ được giao đồng thời thống nhất cao những nội dung để đồng hành cùng Ngân hàng Thế giới.