Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngay sau Hội nghị COP26, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã được thành lập và do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Các bộ, cơ quan liên quan tập trung xây dựng các đề án, chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết.
Đến nay, các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030…
Bên cạnh đó, một số bộ, ngành đang xây dựng kế hoạch hành động của ngành triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26 như: Xây dựng và công bố Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam; Báo cáo kế hoạch thích ứng của Việt Nam phù hợp lộ trình phát thải ròng bằng “0” và các cam kết của Việt Nam tại COP26 để gửi Ban thư ký Công ước trước Hội nghị COP27; rà soát các quy định hiện hành nhằm phát hiện những vướng mắc liên quan đến việc giao khu vực biển để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; nghiên cứu xây dựng chương trình giảm dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch trong ngành năng lượng, lồng ghép trong quá trình xây dựng Quy hoạch Điện VIII; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đối với phương tiện giao thông đường bộ; xây dựng cơ chế, chính sách và lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện (E-mobility) cho cấp quốc gia…
Các địa phương đang đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng phải kiểm kê khí nhà kính xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh; thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; chú trọng khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, kêu gọi đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió)...
Đối với khối doanh nghiệp, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, các tổng công ty, tập đoàn nhà nước bước đầu nghiên cứu và giảm dần sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch. Trong khi đó, một số tập đoàn đa quốc gia như Nestle, Equinor, Grab… sẵn sàng hợp tác với các cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” trong các hoạt động của doanh nghiệp. Đáng chú ý, một số tập đoàn lớn trong nước đang hành động ngay cùng Chính phủ như Tập đoàn Vin Group mở rộng quy mô và phạm vi sản xuất và cung cấp xe điện, xây dựng nhà máy sản xuất pin cung cấp cho thị trường xe điện trong nước và quốc tế; Tập đoàn T&T đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi; Tập đoàn TGS đầu tư xây dựng các dự án nhà máy sản xuất hydro xanh đầu tiên tại Trà Vinh, Bến Tre và Cà Mau (dự kiến đầu năm 2025 sẽ đi vào vận hành)…
Sau Hội nghị COP26, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới mong muốn phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Đến nay, có 41 hồ sơ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước xin phép đo đạc, khảo sát, đánh giá tài nguyên năng lượng gió trên biển thuộc thẩm quyền của cơ quan Trung ương. Các địa phương có biển đang xem xét hồ sơ của hàng chục tổ chức, cá nhân đề xuất khảo sát, xin được giao khu vực biển để thực hiện các dự án điện gió trên địa bàn.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, để đẩy mạnh thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon ngành giao thông vận tải; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, ban hành cơ chế xác định giá bán điện (thay giá FIT), cho phép áp dụng Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển dự án điện gió ngoài khơi; đồng thời, cần sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành quy hoạch chi tiết phát triển điện gió ngoài khơi và cơ chế đấu thầu các dự án điện gió ngoài khơi.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành liên quan cần tập trung hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, thu hút dòng tài chính xanh vào triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng; ban hành cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng; khuyến khích doanh nghiệp giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất thân thiện môi trường…
Tại phiên họp lần thứ ba, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Để thực hiện các cam kết tại COP26, chúng ta xác định thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, là cơ hội phát triển bền vững, ưu tiên trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân…”