Theo đó, đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến tới hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 95% kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao.
DỰ án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,3 km; trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang 57,2 km; dự án thành phần 2 tại thành phố Cần Thơ 37,2 km; dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang gần 37 km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng 56,9 km. Tổng mức đầu tư toàn dự án giai đoạn 1 gần 44.700 tỷ đồng, dự kiến toàn tuyến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027.
Dự án thành phần 4 có 4 gói thầu xây lắp. Theo đó, gói thầu số 9 thi công xây lắp công trình đoạn từ Km131+300 đến Km144+500, gồm phần đường, cầu, cống. Gói thầu số 10 thi công xây lắp công trình đoạn từ Km144+500 đến Km159+500, gồm phần đường, cầu.
Theo cam kết của các đơn vị thi công gói thầu số 9 và 10, đến ngày 15/9/2024 sẽ hoàn thành đường công vụ và đồng loạt triển khai thi công 8 cầu còn lại. Còn gói thầu số 11 thi công xây lắp công trình đoạn từ Km159+500 đến Km174+000, gồm phần đường, cầu; gói thầu số 12 thi công xây lắp công trình đoạn từ Km174+000 đến Km189+666,65, gồm phần tuyến, cầu, cống…
Hưởng ứng đợt thi đua cao điểm của tỉnh Sóc Trăng, nhiều đơn vị thi công đã nỗ lực lớn với quyết tâm cao, tạo khí thế sôi nổi tại các công trường. Công ty cổ phần Đạt Phương thực hiện gói thầu xây lắp gói số 10 vừa tiến hành lao lắp dầm cầu số 22 và đang khẩn trương gác các dầm còn lại. Tại công trường, gần 100 công nhân hối hả vận chuyển, lắp ráp các chi tiết phục vụ cho việc lắp đặt nhịp cầu; các cán bộ kỹ thuật tập trung cân chỉnh dầm đúng vị trí, bảo đảm kỹ thuật.
Giám đốc Ban điều hành Công ty cổ phần Đạt Phương Phạm Ngọc Cương cho biết, với tinh thần vượt nắng, thắng mưa, đơn vị đã bố trí 3 ca, 4 kíp tăng tốc thi công các hạng mục ở hai bộ phận là tổ đội thi công mố cầu và tổ đội thi công mặt cầu nhằm bảo đảm khối lượng đăng ký thi đua với địa phương. Mới 10 ngày, đơn vị đã hoàn thành 100% khối lượng đăng ký thi đua, giá trị hơn 62 tỷ đồng, đạt hơn 50% kế hoạch cả gói thầu. Phát huy thành tích thi đua, đơn vị sẽ duy trì tốc độ thi công, phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ đạt 85-92% giá trị sản lượng gói thầu.
Thi công liên tục cho nên công nhân phải thường xuyên làm việc tại công trường. Việc kịp thời thăm hỏi, động viên, khích lệ tinh thần làm việc của người lao động tại công trường của các cấp lãnh đạo đã tạo thêm động lực để công nhân, người lao động hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong những ngày của đợt thi đua, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thường xuyên tổ chức đoàn đến hỏi thăm tình hình thi công tại đơn vị; tìm hiểu tình hình ăn ở, sinh hoạt và làm việc của các công nhân, qua đó, kịp thời chia sẻ những khó khăn, vất vả của người lao động, thể hiện rõ sự đồng hành cùng các đơn vị thi công vượt qua khó khăn, hoàn thành tiến độ theo kế hoạch. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã ghi nhận, biểu dương tinh thần trách nhiệm của các đơn vị thi công; đồng thời, đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường nhân lực, tập kết thiết bị, vật tư để đẩy nhanh tiến độ, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để bù tiến độ chậm trong thời gian vừa qua, bảo đảm cho dự án đạt các mốc thời gian theo yêu cầu…
Hiện, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đồng loạt triển khai nhiều dự án đường cao tốc với nhu cầu cần có hàng chục triệu mét khối cát đắp nền. Riêng Dự án thành phần 4 đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1 có nhu cầu sử dụng khoảng 6,6 triệu mét khối cát, phải thực hiện đắp gia tải hoàn thiện từ nay đến hết tháng 6/2025 mới bảo đảm cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2026 theo Nghị quyết 60/2022/QH15 của Quốc hội. Như vậy, tương ứng bình quân mỗi ngày dự án phải huy động đến 22.000 m3 cát.
Sau hơn một năm thi công, Dự án thành phần 4 đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1 đã đào nền đường hơn 80% nhưng chưa có nguồn cát để đắp nền. Theo tiến độ được duyệt, dự án phải hoàn thành đắp cát nền đường trước tháng 6/2025 để kịp hoàn thành công trình trong năm 2026. Tỉnh Sóc Trăng đã giao 5 mỏ cát sông cho Dự án để lập thủ tục theo cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, đến nay, tổng công suất khai thác tối đa của các mỏ cát này mới đạt 3.795 m3/22.000 m3/ngày.
Tại kỳ họp thứ 24 (chuyên đề), Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khóa 10 đã thông qua việc khai thác mỏ cát sông ký hiệu MS 12 thuộc địa phận xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách với diện tích 60,212 ha, trữ lượng hơn 645.000 m3. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đối với các địa phương có dự án cần cát san lấp cần bổ sung các mỏ khai thác theo cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh thủ tục khai thác, đáp ứng tiến độ thi công các dự án trọng điểm. Do vậy, việc Sóc Trăng đưa thêm mỏ cát ký hiệu MS 12 vào khai thác, sử dụng là nhằm chủ động nguồn vật liệu cát cho các dự án trọng điểm trong thời gian tới...