Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 nối Gia Lai-Bình Định (giai đoạn 2) thuộc Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên bao gồm tuyến quốc lộ có chiều dài 143km đi qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai (126km) và Bình Định (17km) do Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, với tổng vốn 3.654 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB); vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia và vốn đối ứng của Việt Nam; chính thức khởi công từ cuối tháng 8/2021 và dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Theo Bộ Giao thông vận tải, đây là dự án đường bộ có vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối giao thông và logistics với hành lang Đông-Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải Trung Bộ và kết nối vùng Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, thúc đẩy kinh tế-xã hội.
Theo cam kết của chủ đầu tư và các đơn vị thi công, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6/2023, tuy nhiên việc thi công ỳ ạch. Quá trình triển khai để lại nhiều hệ lụy, gây bức xúc cho người dân sống trong vùng dự án. Ngày nắng thì bụi mù mịt, mưa xuống thì nước chảy tràn vào nhà do nền đường thiết kế cao nhưng hệ thống mương, cống thì không đồng bộ.
Từ mùa mưa năm 2022, nhiều hộ dân đã phải chịu cảnh "bì bõm", thậm chí bị sập tường, trôi hoa màu, xe cộ; gây chập điện, cháy nổ… do nước mưa tràn vào nhà, vào vườn. Thiệt hại như vậy nhưng người dân vẫn chưa được bồi thường.
Từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ mới vài cơn mưa nhỏ đã làm ách tắc giao thông nghiêm trọng, bùn đất tràn ra mặt đường. Ngày 6/6, một trận mưa đã khiến nhiều đoạn qua hai huyện Mang Yang, Đắk Đoa bị ách tắc giao thông nhiều giờ liền; đất ở những điểm thi công tràn ra mặt đường gây sình lầy, khiến phương tiện không thể lưu thông.
Ông Hồ Thân (thôn Hà Lòng 1, xã Kdang) phản ánh: "Đơn vị thi công múc mương hai bên đường đổ đất từng ụ cao ngất trước nhà dân rồi để đó. Thi công như thế này thì không biết chừng nào mới xong. Kinh doanh ế ẩm, đời sống người dân bị đảo lộn".
Bà Nguyễn Thị Hương (66 tuổi, người dân có nhà ở mặt đường Quốc lộ 19) than thở: "Nhà có ba cái xe máy nhưng không đưa vào nhà được do mương nước quá cao, chắn trước mặt nhà. Rồi cứ hễ mưa xuống là nước tràn vào nhà".
Ông Phan Văn Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Bình (huyện Đắk Đoa) cho biết: "Xã nhiều lần báo cáo lên huyện và huyện cũng đã có ý kiến, đề nghị chủ đầu tư khắc phục. Mùa mưa năm nay lại đến, người dân rất lo".
Còn theo ông Nguyễn Thanh Phú, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kdang (Đắk Đoa) thì xã đã nhiều lần làm việc với Ban Quản lý Dự án 2 và các đơn vị thi công Quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn xã, đề nghị khắc phục một số bất cập trong quá trình thi công, nhưng tình hình chưa được cải thiện.
Ủy ban nhân dân hai huyện Mang Yang và Đắk Đoa cũng đã trực tiếp nhiều lần phản ánh, kể cả bằng văn bản, yêu cầu Ban Quản lý Dự án 2 đẩy nhanh tiến độ thi công và bảo đảm an toàn giao thông khu vực. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Đoa cho biết: "Việc khắc phục và xử lý những tồn đọng, bất cập quá chậm, quá hời hợt".
Sau hai năm khởi công, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 nối Gia Lai-Bình Định đang đứng trước nguy cơ không kịp về đích theo kế hoạch vào ngày 30/6 tới.
Ông Nguyễn Ngọc Tân, Giám đốc Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên cho biết: Theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc vào cuối tháng 6/2023. Tuy nhiên, dự án có nguy cơ chậm tiến độ so với hợp đồng. Nghiêm trọng hơn là gói thầu 4A (Km131+300-Km155+00) đoạn qua địa bàn huyện Đắk Đoa (tuyến đường dài 24km) không thể hoàn thành. Gói thầu này do Công ty TNHH Hợp Tiến (tỉnh Hà Nam) và Công ty cổ phần Vinadelta (Hà Nội) liên danh trúng thầu. Quá trình thi công, hai đơn vị này triển khai rất chậm, tổ chức thi công thiếu khoa học nên Khu Quản lý đường bộ III nhiều lần ra quyết định xử phạt.
Trước những phản ánh của chính quyền và người dân về những hệ lụy phải gánh chịu do việc thi công kéo dài và thiếu trách nhiệm kiểm tra, đốc thúc của chủ đầu tư, Bộ Giao thông vận tải liên tục có văn bản yêu cầu Ban Quản lý Dự án 2 kiểm soát tiến độ, chất lượng đối với dự án.
Bộ Giao thông vận tải cũng có văn bản nghiêm khắc phê bình các nhà thầu gồm: Công ty Giang Tùng; Công ty Xây dựng Việt Đức; Công ty TNHH Mạnh Cường; Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Tiến Dung; Công ty cổ phần Tập đoàn Đông Đô; Công ty cổ phần Thành An; Công ty TNHH Hợp Tiến; Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí Phương Nam; Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng công trình 656; Công ty cổ phần Xây dựng thương mại 559… đã để công trình bị chậm từ 30-50%.
Đặc biệt, gói thầu của liên danh Công ty cổ phần Vinadelta và Công ty cổ phần Xây dựng 203 bị khiển trách vì chậm tiến độ trên 50%. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý Dự án 2 rà soát lại năng lực của các nhà thầu để tiến độ bị chậm, kiên quyết xử lý các nhà thầu không có khả năng khắc phục nhằm bảo đảm tiến độ chung toàn dự án.
Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam) cũng có công văn đề nghị Ban Quản lý Dự án 2 tăng cường chỉ đạo các nhà thầu đang thi công trên Quốc lộ 19 kiểm tra, xử lý các vị trí gây mất an toàn giao thông; trong đó, chủ yếu là các vị trí bị bong tróc, ổ gà, sình lún; các cống ngang, đường vào các cầu tạm; các đoạn thi công nền đường thiếu rào chắn, thiếu biển báo, không bố trí đèn cảnh báo vào ban đêm tại các đầu vệt đào nền đường…
Liên quan dự án này, Khu Quản lý đường bộ III cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm đối với 5 nhà thầu thi công tại dự án do "… không bảo đảm an toàn trong thi công, mất an toàn giao thông"; xử phạt 3 đơn vị đang thi công trên Quốc lộ 19, tổng số tiền 36 triệu đồng, về lỗi "… khi thi công trên đường bộ đang khai thác không bố trí cọc tiêu di động đầy đủ theo quy định".
Mới đây nhất, ngày 6/6, Khu Quản lý đường bộ III gửi văn bản đến Ban Quản lý Dự án 2 yêu cầu "… Chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu để việc thi công Quốc lộ 19 gây nguy hiểm đến an toàn giao thông, tính mạng người dân!".