Nhiều chuyên gia kiến nghị, cần phải có giải pháp thật sự hiệu quả về vốn, cơ chế, chương trình chỉnh trang đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đạt kết quả tốt.
Di dời đạt 12,4% chỉ tiêu
Báo cáo của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, có năm tuyến kênh rạch chính dài hơn 105 km trong phạm vi nội thành, giải quyết tiêu thoát nước cho khu vực rộng 14.200 ha. Tuy nhiên, lòng kênh bị thu hẹp do bị các hộ dân lấn chiếm. Tổng số căn nhà trên và ven kênh rạch lên đến hơn 65.000 căn (thống kê từ năm 1993 đến nay). Nhìn chung, các giai đoạn thực hiện chương trình giải tỏa, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch đều đạt chỉ tiêu khá thấp (dưới 50%).
Theo Tiến sĩ Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 1993-2005, việc giải tỏa di dời luôn đạt chỉ tiêu 100%. Nguyên nhân chủ yếu do thành phố đã áp dụng chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, tạo nguồn vốn đầu tư khu tái định cư, để di dời hộ sinh sống trên và ven kênh rạch đến nơi ở mới khang trang và sạch đẹp. Từ năm 2016-2020, thành phố mới chỉ bồi thường và di dời được 2.479 trong tổng số 20.000 căn theo kế hoạch, đạt tỷ lệ 12,4% so với chỉ tiêu. Các dự án hoàn thành, chủ yếu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nhưng đa số cũng chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư từ vốn ngân sách, trong khi chưa kêu gọi được dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 7 Lê Văn Thành cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến tiến độ di dời nhà ở trên và ven kênh rạch chậm là do đa số loại nhà này lấn chiếm, mua bán giấy tay qua nhiều đời chủ. Phần lớn diện tích các căn nhà không lớn dẫn đến việc không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất qua các thời kỳ.
Ngoài ra, nhiều trường hợp nhà nhỏ, xây nhà sàn trên kênh nhưng đông nhân khẩu, không đủ điều kiện bố trí tái định cư; từ đó dẫn đến bồi thường chậm, khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài. Thí dụ như tại dự án cải tạo kênh Hàng Bàng giai đoạn 2 vẫn còn 88 trường hợp phía đường Phan Văn Khỏe tiếp tục khiếu nại, chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án theo kế hoạch. Còn dự án cải tạo kênh A41, quận Tân Bình (đã bồi thường, di dời được 124/142 căn nhà) đang thực hiện dở dang chủ yếu do vướng công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Thiểm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Vai trò của nguồn vốn xã hội hóa trong chương trình chỉnh trang đô thị là rất lớn. Nhiều dự án kênh rạch ở Quận 7, Quận 8,
hay huyện Nhà Bè… giờ trở nên sạch, đẹp vì có sự góp sức của doanh nghiệp. Nguyên nhân khiến thành phố chưa huy động được nguồn lực của doanh nghiệp vào việc cải tạo kênh rạch, bởi nhiều quy định của pháp luật đang gây khó khăn. Thậm chí, chính những quy định của thành phố cũng khiến doanh nghiệp không dám mạnh dạn bỏ tiền đầu tư như: Quy hoạch tổng thể Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013, Quyết định 22 về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch và hồ công cộng… Theo Tiến sĩ Thiểm, thành phố nên thay đổi tư duy theo hướng: thành phố, người dân, doanh nghiệp cùng hưởng lợi; nếu ban hành chính sách chỉ nhìn một phía Nhà nước thì rất khó thu hút đầu tư.
Vận dụng Nghị quyết 98 để di dời nhà ở trên, ven kênh rạch
Bàn về giải pháp đẩy nhanh tiến độ di dời nhà ở trên, ven kênh rạch, Tiến sĩ Dư Phước Tân hiến kế: Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh có một số điều khoản có thể vận dụng tạo nguồn kinh phí đầu tư dự án giải tỏa di dời nhà ở ven, trên kênh rạch. Cụ thể, có thể sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chỉnh trang đô thị.
Ngoài ra, ngân sách thành phố được hưởng toàn bộ số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí. Đây là khoản có thể sử dụng đầu tư cho công tác giải tỏa di dời nhà ven kênh rạch. Ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng phòng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố) đưa ra giải pháp, chuẩn bị quỹ nhà tái định cư trước khi thực hiện dự án di dời nhà ở trên, ven kênh rạch: Thành phố chỉ tiến hành thu hồi nhà ở, đất ở sau khi đã có nhà tái định cư.
Bên cạnh đó, cần có sự thống kê, đánh giá về đối tượng nhà ven kênh rạch một cách rõ ràng và cụ thể hơn, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể hơn cho đối tượng yếu thế. Đồng quan điểm, ông Lê Văn Thành cho rằng: Cần chú trọng ổn định cuộc sống của người dân có đất bị thu hồi phải di chuyển chỗ ở, bảo đảm nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu giải pháp bán nhà ở xã hội, cho thuê, mua đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện tái định cư, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo trong dự án.
Để có vốn thực hiện, Sở Xây dựng thành phố đã kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố ưu tiên bố trí vốn cho các dự án di dời nhà trên, ven kênh rạch, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép về kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025, kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải của thành phố giai đoạn 2020-2030. Theo đó, bảy dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2025 cần bố trí 18.829 tỷ đồng; 13 dự án chưa bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với vốn đầu tư dự kiến là 18.150 tỷ đồng. Sở Xây dựng cho biết: Để thực hiện tốt các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch, cần tổ chức điều tra xã hội học để khảo sát các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, tìm hiểu hiện trạng cuộc sống của các hộ dân, nhu cầu của người dân sau khi di dời…