Cung đường sắt hiểm trở
Khu vực đèo Khe Nét có địa hình phức tạp, hiểm trở nằm trên địa phận xã Hương Hóa và Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), dài hơn 10 km, có 43 đường cong nguy hiểm với độ cao hơn 700m so với mực nước biển, độ dốc khoảng 17‰. Đáng chú ý, đường sắt khu vực đèo Khe Nét là đoạn “thắt cổ chai” tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho các đoàn tàu trên tuyến đường sắt bắc-nam. Theo đơn vị quản lý tuyến đường, đường sắt đoạn qua đèo Khe Nét đi qua 32 khúc cua hẹp phải dùng ray hộ bánh. Tàu khách qua đây chỉ chạy được 20-25 km/giờ, tàu hàng thì luôn phải có thêm đầu máy đẩy mới qua được. Còn với nhân viên lái tàu hỏa, cung đường đèo Khe Nét luôn thử thách tay nghề của họ mỗi khi qua đây, nguy hiểm nhất và căng thẳng nhất là khi điều khiển đoàn tàu qua đèo vào ban đêm hoặc thời điểm nhiều sương mù.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, hệ thống đường sắt quốc gia đi qua 34 tỉnh/thành phố với tổng chiều dài khoảng 3.143 km, trong đó tuyến đường sắt thống nhất là trục xương sống với chiều dài 1.726 km. Tuy nhiên, chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt chưa đồng bộ, năng lực hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Trong đó, trên tuyến đường sắt Thống Nhất vẫn còn một số điểm nghẽn như khu gian Hòa Duyệt-Thanh Luyện, khu vực đèo Khe Nét, đèo Hải Vân…
Vì vậy, việc đầu tư và hoàn thành dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét sẽ góp phần nâng cao năng lực tuyến đường sắt Thống Nhất khu đoạn Vinh-Đồng Hới. Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp các bộ, ngành tích cực làm việc với các nhà tài trợ, mà trực tiếp là Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc để huy động nguồn lực đầu tư các dự án nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt.
Cuối tháng 3/2024, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) phối hợp với các đơn vị liên quan và nhà thầu tổ chức triển khai thi công dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, thuộc đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là dự án đường sắt đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo chủ đầu tư, dự án gồm hai gói thầu, gói XL01 thi công xây dựng hai hầm đường sắt, tổng chiều dài 935m, thời gian thực hiện 23 tháng do liên danh Công ty ILSung-Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Trong đó, hầm 1 dài 580m, hầm 2 dài 355m, khổ hầm 10m, thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp I. Gói XL02 thi công xây dựng các công trình cầu, đường sắt, thông tin tín hiệu và các công trình còn lại do liên danh ILSung - Tổng công ty Công trình đường sắt thực hiện, thời gian thi công 22 tháng.
Theo đại diện lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, sau những công trình, dự án giao thông trải dài khắp ba miền đất nước, Tập đoàn tiếp tục ghi dấu ấn của mình ở một lĩnh vực mới của ngành giao thông khi cùng với đối tác ILSung thực hiện xây dựng hai hầm đường sắt là hạng mục quan trọng trên tuyến đường sắt khu vực đèo Khe Nét.
Thi công 3 ca 4 kíp để sớm hoàn thành dự án
Ngay sau lễ khởi công, các nhà thầu đã nỗ lực huy động nhân lực, phương tiện, máy móc để thực hiện dự án. Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, trên đỉnh đèo Khe Nét, chúng tôi được chứng kiến hàng trăm công nhân đang miệt mài xây dựng tuyến hầm đường sắt xuyên qua đèo.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư), năm nay ở Quảng Bình mùa mưa đến muộn hơn cho nên tạo thuận lợi cho lực lượng thi công trên công trường. “Chúng tôi yêu cầu các nhà thầu tập trung tăng ca, tăng kíp để xong phần hạ bộ trước tháng 10 nhằm tránh mưa lũ. Chúng tôi cũng đã làm việc, đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng liên quan đến 23 hộ dân, trong đó có 10 hộ phải tái định cư để thực hiện dự án”. Đến thăm công trường, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động hết sức khẩn trương khi từng tốp, nhóm công nhân cùng với máy móc xẻ núi, bạt đèo và đào hầm xuyên núi để “nắn thẳng” đoạn tuyến đường sắt qua đèo Khe Nét.
Công nhân Nguyễn Tiến Hưng cho biết, ở đây nắng mưa thất thường ảnh hưởng rất lớn đến việc thi công. Sau mỗi trận mưa to phải chờ nắng 2-3 ngày thì mới đưa máy lên trên đỉnh đồi được. Đây là công đoạn khó khăn và nguy hiểm, bởi nếu không cẩn thận rất dễ xảy ra tai nạn trong quá trình di chuyển cũng như thi công. Khó khăn là vậy nhưng các nhà thầu với kinh nghiệm của mình đã nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa” để công trình luôn bảo đảm tiến độ tốt nhất, nhất là việc thi công hai hầm đường sắt.
Kỹ sư Nguyễn Duy Sông, Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL01, dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét cho biết, hai hầm đường sắt Khe Nét có tính đặc thù chạy men theo sườn núi, tầng phủ mỏng, địa chất hầm phức tạp, thay đổi liên tục, không theo thiết kế kỹ thuật. Ngoài ra, gói thầu đã gặp một số khó khăn đến từ việc bàn giao mặt bằng chậm hơn so với kế hoạch.
Cùng với đó, một số khu vực bãi đổ thải đã được quy hoạch nằm trên đất nông nghiệp cho nên việc giải phóng mặt bằng cũng chậm trễ. Để khắc phục, liên danh nhà thầu đã phối hợp với chủ đầu tư, tư vấn giám sát bám sát công trường và đưa ra các phương án gia cố phù hợp, bảo đảm an toàn, chất lượng theo địa chất thực tế. Hiện tại các khó khăn đã cơ bản được xử lý. Các nhà thầu đã huy động 230 kỹ sư, công nhân, lái máy cùng với hơn 35 máy móc thiết bị chuyên dụng, tổ chức đồng loạt bốn mũi thi công trên hai hầm. Liên danh chủ động đưa ra các biện pháp thi công, đẩy mạnh công tác đào tạo nội bộ để nâng cao năng suất lao động cho cán bộ, công nhân, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”.
Ngày 30/10, hầm số 2 thuộc gói thầu XL01, dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét chính thức được liên danh ILSung - Đèo Cả đào thông, vượt tiến độ hai tháng; hầm số 1 cũng đã đào được 130m và phấn đấu đào thông trước tháng 4/2025. Ông Sông cho biết thêm, hầm đường sắt Khe Nét được áp dụng công nghệ NATM trong thi công. Công nghệ này đã được Đèo Cả làm chủ và cải tiến, áp dụng tại nhiều dự án hầm đường bộ mà Đèo Cả đã và đang thực hiện. Việc thông hầm số 2 là dấu mốc quan trọng, thuận tiện hơn cho việc vận chuyển nhiên liệu, hàng hóa, nhân lực thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, việc hoàn thành các dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét sẽ phá “nút thắt cổ chai” trong tuyến đường sắt bắc-nam, góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng đường sắt, nâng cao tốc độ, rút ngắn hành trình chạy tàu tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm tới.