Nổi bật, phải kể đến 2 dự án trọng điểm qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long là cầu Mỹ Thuận 2 và đường bộ cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ đang trong giai đoạn về đích.
Đây là một trong những dự án thành phần của dự án cao tốc bắc nam sẽ kết nối 2 dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ, tạo thành tuyến thông suốt từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, giúp giảm tải áp lực cho tuyến Quốc lộ 1 và cầu Mỹ Thuận hiện hữu.
Vượt khó, đẩy nhanh tiến độ
Vào những ngày trung tuần tháng 8 này, có mặt trên công trường cầu Mỹ Thuận 2, các kỹ sư và công nhân nơi đây đang tập trung làm việc, đẩy nhanh tiến độ. Dù nắng hay mưa, họ quyết tâm bám sát hiện trường, thi công nếu thời tiết cho phép kể cả ngày lẫn đêm.
Công nhân Trần Văn Kha cho biết, đây là dự án trọng điểm quốc gia cho nên anh em cũng tranh thủ thời tiết phù hợp, cố gắng 2 ca 3 kíp làm cho kịp tiến độ công trình, bảo đảm chất lượng và an toàn lao động.
Phó Giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu XL03B Hoàng Đình Đệ chia sẻ: “Tiến độ đến nay luôn đáp ứng yêu cầu chủ đầu tư đặt ra. Chúng tôi bố trí lực lượng, tranh thủ thời tiết cho anh em làm xuyên đêm ở rất nhiều mũi thi công, có những hạng mục làm xuyên trưa, có lúc 100% nhân lực phải làm ca đêm… Tất cả công nhân đều được bộ phận an toàn huấn luyện, hướng dẫn, kiểm tra giám sát sức khỏe. Đủ sức khỏe, đủ điều kiện thì mới vào thi công”.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Ban Quản lý Dự án 7, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nay chủ đầu tư và tư vấn giám sát 24 giờ/ngày trên công trình. Nhà thầu cũng huy động đầy đủ lực lượng, máy móc và thiết bị tập kết toàn bộ tại công trình. Nguồn vật liệu dùng có chất lượng tốt nhất, toàn bộ các vật tư hầu hết nhập từ châu Âu về.
Theo Ban Quản lý dự án 7, khối lượng thi công cầu Mỹ Thuận 2 đã đạt hơn 87%, đáp ứng tiến độ so với kế hoạch Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, dự kiến hợp long nhịp chính vào giữa tháng 10/2023 và hoàn thành vào cuối năm 2023. Phấn đấu “về đích” cùng thời gian với cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ cũng đang nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tiến độ.
Đến nay, sau hơn 2 năm rưỡi thi công, giai đoạn 1 của dự án đã đạt hơn 64% kế hoạch với tổng giá trị đã thực hiện hơn 1.710 tỷ đồng, trong đó cơ bản hoàn thành thi công hạng mục khuôn đường, đắp nền đường, tất cả 15 cầu trên tuyến chính, đang triển khai thi công lớp cát và cấp phối đá dăm mặt đường…
Dự án công trình cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ có chiều dài gần 23 km, tổng mức đầu tư hơn 4.826 tỷ đồng, được thiết kế với vận tốc 100 km/giờ cho giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh với 6 làn xe với bề rộng nền đường là 32,25 m. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, bề rộng cầu 17,5 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Cùng với tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận đã đưa vào khai thác, Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ khi hoàn thành sẽ kết nối với cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đang thi công tạo thành trục cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau, góp phần giảm áp lực giao thông trên tuyến Quốc lộ 1.
Kết nối giao thông, phát triển vùng
Tại An Giang, 2 công trình trọng điểm cũng đang được triển khai quyết liệt là Dự án đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và cầu Châu Đốc bắc qua sông Hậu nối với thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.
Trong đó Dự án qua ba tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ giai đoạn 1 có tổng chiều dài tuyến là 188 km, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Tỉnh An Giang làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án thành phần 1 với chiều dài 57 km (trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh An Giang là 56,4 km, qua thành phố Cần Thơ là 0,6 km), tổng mức đầu tư là 13.526 tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, sau lễ khởi công, tỉnh quyết tâm thực hiện dự án thành phần 1 hoàn thành theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; góp phần đưa vào khai thác đồng bộ với các dự án thành phần 2, 3 và 4 phát huy hiệu quả mục tiêu đầu tư.
Trước đó, cả hệ thống chính trị An Giang đã vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng với quyết tâm cao nhất. Nhờ đó trước khi khởi công, tỉnh đã bàn giao 80% mặt bằng của cả Dự án thành phần 1.
Dự kiến, nguồn cát cần thực hiện đoạn qua tỉnh là hơn 9,3 triệu m3, lấy từ 6 khu mỏ và 7 dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy; tỉnh cũng đáp ứng khoảng 3,4 triệu m3 đá cho việc xây dựng.
Song song với các dự án cao tốc, tại tỉnh Trà Vinh, các bộ, ngành Trung ương cùng chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 được triển khai trên địa bàn các huyện Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng.
Dự án được bố trí từ vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Từ tháng 12/2021 đến nay, các đơn vị thi công triển khai thực hiện gói thầu SH2-XL01 gồm xây dựng tuyến đường cấp 4 đồng bằng dọc theo bờ nam kênh Tắt dài 4,7 km và cầu Kinh Xáng với giá trị hơn 125 tỷ đồng, sản lượng đạt 95%.
Gói thầu SH2-XL02 thi công kè bảo vệ bờ bắc kênh Tắt dài 8 km, khu tránh tàu, trạm quản lý luồng, sản lượng đạt hơn 81%.
Gói thầu SH2-XL03 thi công kè bảo vệ bờ nam kênh Tắt dài hơn 10 km, sản lượng đạt hơn 63%.
Theo hợp đồng, đến tháng 10/2023, các hạng mục công trình dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đầu tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cùng đoàn công tác của bộ đã đến kiểm tra; yêu cầu Ban Quản lý dự án Hàng hải đốc thúc nhà thầu tập trung lực lượng, máy móc, thiết bị,… thi công hoàn thành các gói thầu theo đúng tiến độ.
Trước đó, Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 1 của tỉnh Trà Vinh được khởi công từ năm 2009 với tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng đã được đưa vào khai thác, sử dụng nhiều năm qua.
Mục tiêu của dự án là xây dựng luồng tàu biển cho tàu có mớn nước lên đến 8 m, trọng tải 10 nghìn tấn đầy tải, 20 nghìn tấn giảm tải, đáp ứng lưu thông lượng hàng hóa từ 21-22 triệu tấn/năm, hàng container từ 450 nghìn-500 nghìn TEUs/năm; hình thành bể cảng tại kênh Tắt và phối hợp cảng biển tổng hợp Trà Vinh tại Khu kinh tế Ðịnh An.