Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 8/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long ước đạt trên 9,5 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Thế mạnh xuất khẩu của vùng là các mặt hàng nông, thủy sản như lúa gạo, cá tra, tôm…
Duy trì sản xuất, xuất khẩu
Đến giữa tháng 9, Camimex Foods, một trong sáu công ty thủy sản lớn trên địa bàn tỉnh Cà Mau có hơn 1.100 lao động chính thức đi làm bình thường trở lại, chiếm hơn 80% lượng lao động thường niên, năng suất chế biến của doanh nghiệp tăng từ khoảng 30% lên gần 60%.
Tổng Giám đốc Camimex Foods Bùi Đức Cường cho biết: “Doanh nghiệp chuẩn bị tâm thế sống chung lâu dài với dịch bệnh nên bằng mọi giá phải bảo đảm an toàn trong phòng dịch để duy trì sản xuất, không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Đây cũng là điều kiện để công ty chúng tôi không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, phấn đấu xuất khẩu đạt khoảng 120 triệu USD trong năm 2021, tăng 20% so năm 2020”.
Theo chủ trương chung của UBND tỉnh Cà Mau, sau khi nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong tỉnh, nhất là doanh nghiệp chế biến thủy sản không bắt buộc phải thực hiện phương án sản xuất “ba tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai điểm đến”. Các doanh nghiệp chủ động hơn khi được giao cấp giấy đi đường cho người lao động theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải tăng cường tần suất xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho công nhân gắn liền với các biện pháp phòng dịch khác.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Đô cho biết: Bức tranh chung về lĩnh vực thủy sản vẫn ở đà tăng trưởng. Chỉ riêng mặt hàng tôm, tổng sản lượng đạt hơn 142,8 nghìn tấn, bằng 63,5% kế hoạch và tăng 8,1% so cùng kỳ. Tổng sản lượng tôm chế biến gần 115 nghìn tấn, đạt 75,6% kế hoạch, tăng 13,6% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản lũy kế được hơn 652 triệu USD, bằng 62,5% kế hoạch, tăng 17,6% so cùng kỳ năm 2020.
Trang trại nuôi tôm siêu thâm canh của Công ty TNHH Khánh Sủng tại ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) vẫn đang duy trì hoạt động. Đây là khu nuôi tôm theo hình thức công nghệ cao có diện tích khoảng 60 ha. Tổng Giám đốc công ty Trần Văn Tuấn cho biết: Kết thúc thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, “Để công nhân yên tâm làm việc tại nhà máy, công ty kiến nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho công nhân và người lao động trong ngành sản xuất và chế biến tôm, đây là ngành kinh tế có thế mạnh của Sóc Trăng và vùng đồng bằng sông Cửu Long”, ông Trần Văn Tuấn đề nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết: Hiện nay, tình hình giá cả, đầu ra của con tôm đang có hướng tốt lên do dịch bệnh đang được khống chế. Việc sản xuất, tiêu thụ tôm tại doanh nghiệp và hộ nuôi trong tỉnh ổn định dần… Hiện nay, Sóc Trăng có khoảng 20 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trong đó 5 doanh nghiệp lớn nhất đều chuyên về chế biến, xuất khẩu tôm, chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tỉnh Sóc Trăng hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu thủy sản với gần 600 triệu USD, chiếm hơn 12% tổng kim ngạch cả nước. Trong đó, xuất khẩu tôm chiếm 94% với 535 triệu USD, còn lại là các sản phẩm khác.
Điều chỉnh phương án, khôi phục sản xuất
Trong tám tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của tỉnh Kiên Giang ước gần 510 triệu USD, đạt 67,95% kế hoạch năm, tăng 8,62% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng nông sản tăng 5,1%, hàng thủy sản tăng 11,87%. Các mặt hàng chủ yếu như gạo, tôm đông, mực, bạch tuộc đông đều tăng. Tương tự, tỉnh An Giang trong tám tháng xuất khẩu đạt 615,47 triệu USD, tăng hơn 2% so năm 2020. Một số mặt hàng chủ lực như gạo xuất khẩu đạt hơn 190 triệu USD, hàng thủy sản đông lạnh đạt 1,33 triệu USD, rau quả đông lạnh đạt 10,73 triệu USD.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, Nguyễn Minh Hùng cho biết: Do đặc thù ngành chế biến thủy sản sử dụng nhiều lao động, làm việc trong không gian kín nên nguy cơ dịch bệnh lan rộng rất lớn. Do đó, chính quyền buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, thực hiện sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ”. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh chung của doanh nghiệp cũng như phải tăng thêm chi phí lao động sản xuất. Mục tiêu của An Giang trong năm 2021 là phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 965 triệu USD và đến hết tháng 8, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 63,8%. An Giang sẽ tính toán lại các kịch bản tăng trưởng, trong đó có mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trong thời gian giãn cách, hơn 95% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tạm ngưng hoạt động, trong đó có khoảng 70% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thủy sản rút khỏi thị trường do gặp nhiều khó khăn. Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây đang hoạt động trở lại với hơn 70% nhân công theo phương án sản xuất an toàn được ngành chức năng phê duyệt. Còn Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An dù gặp nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hóa, giá cước vận tải xuất khẩu tăng từ 6-8 lần nhưng vẫn cố gắng duy trì sản xuất để mua lúa gạo cho nông dân, giao hàng cho những hợp đồng đã ký kết.
Hai tuần gần đây, TP Cần Thơ có hơn 100 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký hoạt động trở lại là tín hiệu đáng mừng. TP Cần Thơ đã xây dựng phương án khôi phục lại sản xuất theo lộ trình với từng ngành nghề, địa bàn dân cư theo ba bước. Bước một, tăng dần từ mở 30% số lượng công nhân tại doanh nghiệp khi phương án sản xuất được phê duyệt. Bước hai, từ 30% - 50% lượng công nhân và bước ba hơn 50% lượng công nhân tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp bảo đảm vận hành tốt bước một và hai sẽ được chấp thuận chuyển sang bước ba và hoạt động trở lại bình thường.
Duy trì sản xuất trong điều kiện giãn cách, phải bảo đảm an toàn phòng dịch, nên các doanh nghiệp tiêu tốn nhiều chi phí, hiệu quả không cao và có nguy cơ thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ kiến nghị: Chính phủ, chính quyền địa phương cần có chính sách để các ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay, giảm, giãn, khoanh nợ, đồng thời cho vay tiếp để doanh nghiệp có nguồn lực duy trì sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, ngành y tế đưa công nhân vào đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, duy trì sản xuất, giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai phương án sản xuất mới thay thế mô hình “ba tại chỗ” để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.