Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp

Quảng Ngãi là địa phương sớm thực hiện chính sách ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phân công lại lao động ở khu vực nông thôn. Nhờ đó, yêu cầu thời vụ được đáp ứng, rút ngắn thời gian sản xuất, giữ chất lượng sản phẩm ở mức tốt nhất, tăng giá bán và lợi nhuận cho nông dân, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp, cũng như địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Đưa thiết bị bay không người lái vào phun thuốc diệt cỏ, sâu bệnh trên cây lúa tại huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi).
Đưa thiết bị bay không người lái vào phun thuốc diệt cỏ, sâu bệnh trên cây lúa tại huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi).

Đổi thay diện mạo nông nghiệp, nông thôn

Những năm qua, các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ tập trung phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp; giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.

Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ngãi có diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, hằng năm gieo trồng hơn 122.000 ha, cho nên mỗi khi vào vụ sản xuất, tỉnh thường rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động, kéo dài thời vụ, làm ảnh hưởng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở địa phương trong một số khâu còn ở mức thấp, không đồng đều; khâu thâm canh, chế biến, bảo quản nông sản hầu như chưa được cơ giới hóa; sản xuất thủ công là chính chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung cho cây lúa nhưng chỉ ở khâu làm đất và thu hoạch, khâu gieo sạ và chăm sóc còn rất thấp...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc ứng dụng cơ giới hóa chưa đồng bộ trước hết do đất đai sản xuất của người dân nhỏ lẻ, không tập trung, hạ tầng sản xuất bị hạn chế, hệ thống giao thông nội đồng lạc hậu, trong khi đó người dân lại chưa mặn mà đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị vì chi phí cao.

Cùng với đó, chưa có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân để tiêu thụ sản phẩm; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để mua sắm các loại máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; trình độ vận hành máy của người dân còn hạn chế...

Để tháo gỡ, giải quyết vấn đề cấp bách này, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp xác định, cùng với việc dồn điền đổi thửa, hình thành cánh đồng lớn, thì việc đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất là yêu cầu tất yếu, trong đó cơ giới hóa là ưu tiên hàng đầu.

Theo thống kê, đến thời điểm này, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Quảng Ngãi gồm các khâu: Làm đất, bón phân, tưới tiêu, thu hoạch và sau thu hoạch được nâng lên đáng kể. Toàn tỉnh hiện có 3.637 máy làm đất (tăng 1.672 máy so với năm 2016), 1.379 máy phun thuốc có động cơ, gần 1.000 máy gặt đập liên hợp và 141 chiếc máy tẽ ngô...

Từ năm 2021, Tập đoàn Lộc Trời bắt đầu liên kết với các công ty sản xuất giống và các hợp tác xã nông nghiệp: Đức Hòa, Đức Thắng, Đức Nhuận (huyện Mộ Đức), Hợp tác xã nông nghiệp Phổ Văn (thị xã Đức Phổ) triển khai ứng dụng thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai nhiều mô hình cơ giới hóa, trong đó đáng chú ý là mô hình ứng dụng máy xới đất mi-ni tại các huyện miền núi, hải đảo và máy cuốn rơm rạ tại một số huyện đồng bằng. Sử dụng máy cuốn rơm rạ giúp giảm công lao động; thu gom sản phẩm sau thu hoạch nhanh, gọn, chất lượng sản phẩm bảo đảm sử dụng trong chăn nuôi tốt, tiện lợi; giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, chỉ tốn 1,2 triệu đồng/ha, giảm 4,8 triệu đồng/ha so với thu hoạch rơm rạ thủ công cho nên nông dân rất phấn khởi khi sử dụng máy vào sản xuất.

Mộ Đức là địa phương đi đầu ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi, với tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt 100%, bơm thuốc bảo vệ thực vật đạt 90%.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Văn Thanh, trên địa bàn huyện hiện có hai hình thức tổ chức dịch vụ ứng dụng cơ giới hóa. Thứ nhất, hộ tư nhân, doanh nghiệp và trang trại nông nghiệp đầu tư mua máy móc thiết bị để phục vụ nhu cầu của gia đình, đơn vị và hoạt động dịch vụ. Thứ hai, hợp tác xã nông nghiệp hình thành mô hình dịch vụ cơ giới hóa liên kết các khâu sản xuất như làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch.

Thực tế sản xuất đã chứng minh, mô hình dịch vụ cơ giới hóa liên kết đem lại hiệu quả cao, thúc đẩy cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí lao động, chất lượng hoạt động của máy tốt, đáp ứng quy trình thâm canh, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

“Điều quan trọng của việc đưa cơ giới vào đồng ruộng giúp hình thành những cánh đồng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, nâng cao lợi nhuận từ 15-20% so với làm thủ công trước đây và giải quyết bài toán thiếu hụt lao động thời vụ ở khu vực nông thôn”, đồng chí Nguyễn Văn Thanh cho biết.

Điều quan trọng của việc đưa cơ giới vào đồng ruộng giúp hình thành những cánh đồng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, nâng cao lợi nhuận từ 15-20% so với làm thủ công trước đây và giải quyết bài toán thiếu hụt lao động thời vụ ở khu vực nông thôn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Văn Thanh

Là một trong những hợp tác xã tiên phong liên kết với doanh nghiệp ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp trong nhiều năm qua, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đức Thắng (huyện Mộ Đức) Lê Tuấn Trinh cho biết: Việc áp dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc diệt cỏ, sâu bệnh trên cây lúa được người nông dân đồng tình thực hiện vì giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất và bảo vệ sức khỏe người lao động.

Cơ giới hóa đồng bộ gắn với chuỗi giá trị

Việc ứng dụng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở Quảng Ngãi tuy đạt được những kết quả khích lệ, song tỷ lệ một số khâu còn ở mức thấp, không đồng đều, chủ yếu tập trung cho cây lúa ở khâu làm đất và thu hoạch; khâu gieo sạ còn rất thấp. Riêng khâu thâm canh, chế biến, bảo quản nông sản hầu như chưa được cơ giới hóa, sản xuất thủ công là chính.

Từ thực tế nêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra nhiều giải pháp: Tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, xây dựng cánh đồng lớn gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản nhằm thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn; khuyến khích các hộ dân mạnh dạn đầu tư mua sắm các loại máy móc phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương với cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp; tổ chức cho các công ty sản xuất, cung cấp thiết bị trình diễn ngay trên đồng ruộng giúp nông dân các địa phương tiếp cận những máy móc, thiết bị tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất.

Đồng thời cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách hỗ trợ, thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, cơ khí hóa đồng bộ trong sản xuất, chế biến; xây dựng các liên kết theo chuỗi giữa doanh nghiệp với nông dân và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, để từ đó thúc đẩy quá trình chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, tạo tiền đề quan trọng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Từ bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai tại địa phương, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đức Tân (huyện Mộ Đức) Nguyễn Văn Trình kiến nghị, để cơ giới hóa trong nông nghiệp một cách bền vững, hệ thống chính quyền cần xây dựng quy hoạch chi tiết hệ thống giao thông ở thôn, đường nội đồng, đầu tư kết cấu hạ tầng, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tiếp tục chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa trên quy mô lớn, liên doanh liên kết, áp dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào quy trình sản xuất, bảo vệ môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tập trung đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa, trong đó dự kiến sẽ chọn một số huyện làm điểm khoảng vài trăm héc-ta để tiến hành thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ tập trung xây dựng hiện đại và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu của ngành để kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở; đồng thời xây dựng phần mềm quản lý, giám sát, đánh giá, phân loại sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm đặc trưng của địa phương; khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình sản xuất, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm...”.