Đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn ở Hậu Giang

Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh kinh tế hộ, khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn, xây dựng mô hình chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn nhằm phát triển nông nghiệp bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò.
Trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò.

Ưu điểm và hiệu quả của mô hình kinh tế tuần hoàn là tận dụng nguồn phụ phẩm, chất thải thay vì tiêu tốn chi phí xử lý, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường, tăng thêm hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị đất canh tác.

Với diện tích 1ha đất, bà Lữ Thị Nhật Hằng ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp đã xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp khép kín. Ðây là một trong những trang trại đầu tư mô hình nông nghiệp tuần hoàn một cách bài bản trên địa bàn tỉnh. Với đầu vào là rơm rạ bỏ đi sau thu hoạch lúa được sử dụng để trồng nấm, sau khi thu hoạch nấm, bã rơm được ủ để làm thức ăn cho trùn quế, trồng rau sạch và trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Trùn quế sẽ cho ra sản phẩm phân trùn quế và cũng được dùng làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản. Chất thải từ chăn nuôi bò, gia cầm và rơm được dùng làm thức ăn cho trùn quế.

Ngoài ra, nước thải từ chăn nuôi bò, từ ao cá được xử lý triệt để tại hồ chứa và được dẫn đến khu vực trồng cỏ voi để tự thẩm thấu trong đất. Theo bà Hằng, mô hình nông nghiệp tuần hoàn có thể xem là mô hình có tính chất công nghiệp trong nông nghiệp vì canh tác quanh năm, thực hiện được với diện tích đất nhỏ. Hiện nay, các sản phẩm của mô hình có đầu ra ổn định, thu nhập có thể đạt từ 100-120 triệu đồng/1.000m2 mỗi năm.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, mô hình nông nghiệp tuần hoàn còn mang lại lợi ích về môi trường khá lớn khi hầu hết chất thải, phụ phẩm đều được xử lý để tận dụng làm đầu vào cho sản phẩm.

Cũng bắt đầu với mô hình kinh tế tuần hoàn, từ đầu năm 2022, ông Huỳnh Văn Tấn ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy chọn đối tượng nuôi trồng là ốc bươu đen, dê, sầu riêng và mít. Ông Tấn cho biết: Với 10 công đất, gia đình ông trồng xen kẽ sầu riêng và mít, lấy ngắn nuôi dài. Dê hiện tại có 10 con cái và 1 con dê đực, nuôi được khoảng 7 tháng đã đẻ dê con. Còn ốc bươu đen thì nuôi chủ yếu là cung cấp ốc giống cho các hộ có nhu cầu. Phân dê sẽ đưa vào bồn ủ lại làm phân hữu cơ bón cho sầu riêng và mít, còn nước thải của dê thì đưa xuống ao nuôi bèo cám làm thức ăn cho ốc bươu đen.

Nhờ vậy, gia đình ông tiết kiệm chi phí mua thức ăn, phân bón và xử lý triệt để tác nhân gây ô nhiễm môi trường, góp phần cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Ông Tấn tự tin: “Tuy thời gian canh tác tuần hoàn chưa lâu, nhưng hiệu quả bước đầu đã dần hiện rõ khi phụ phẩm của cây trồng, vật nuôi này để làm đầu vào cho cây trồng, vật nuôi khác, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Còn về lâu dài, nếu tăng quy mô sản xuất sẽ nhẹ lo về chi phí đầu tư cũng như giảm ô nhiễm môi trường”.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang Võ Xuân Tân cho biết, kinh tế tuần hoàn đang là hướng đi đúng nhằm hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, quan trọng là giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý, giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường, tăng thêm hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị đất canh tác.

Năm 2022, từ nguồn kinh phí khuyến nông đặc thù, tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ 50% kinh phí mua con giống, vật tư, thiết bị để xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn cho 16 hộ dân. Năm 2023, tỉnh tiếp tục dành khoảng 3 tỷ đồng kinh phí từ Ðề án phát triển nông nghiệp bền vững và kinh phí khuyến nông của tỉnh để hỗ trợ các mô hình kinh tế tuần hoàn. Tùy theo điều kiện, mỗi gia đình có thể chọn chuỗi tuần hoàn khác nhau nhưng phải khép kín.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Ngô Minh Long, chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là hình thức sản xuất đa canh, đa giá trị, là mô hình đầy triển vọng cho việc gia tăng giá trị sản xuất trong nông nghiệp và rất phù hợp với định hướng chỉ đạo của tỉnh, sự phát triển của ngành trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc xây dựng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn hiện cũng còn gặp một số khó khăn. Ðó là, hiện nay, chưa có văn bản pháp lý cho phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn nói chung, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn nói riêng nên việc triển khai mô hình chưa nhận được sự điều tiết hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà nước thông qua các cơ chế chính sách hợp lý, nhất là phát triển mô hình ở quy mô rộng lớn. Mô hình tuần hoàn cần có nhiều quy trình sản xuất và chế biến khác nhau cho nhiều đối tượng nên người dân gặp nhiều khó khăn trong khâu áp dụng các quy trình kỹ thuật cùng lúc.

Ngoài ra, điều kiện của nông hộ thường không đáp ứng với điều kiện của mô hình vì cần diện tích tương đối lớn và phù hợp với nhiều đối tượng của mô hình; người dân còn chưa am hiểu sâu về sự tuần hoàn trong quá trình triển khai nên đôi lúc chưa áp dụng tốt để đem lại hiệu quả cao nhất…

“Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ xây dựng 3 mô hình theo tinh thần Nghị quyết 28 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 26/2020/NQ-HÐND ngày 4/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Ðề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Thông qua chương trình khuyến nông, hằng năm tỉnh sẽ ưu tiên nguồn kinh phí để hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả mang lại kinh tế cao cho người dân. Ðồng thời, ngành tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo hướng phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh” - ông Long cho biết.